Mỹ: CPI tháng 10 đi ngang, thị trường chứng khoán ngay lập tức tăng mạnh
Lạm phát của Mỹ trong tháng 10 không thay đổi so với tháng trước, làm dấy lên hy vọng rằng sức ép giá cả đang giảm dần đối với nền kinh tế Mỹ, mở đường cho Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ngừng tăng lãi suất.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ đã tăng 3,2% so với một năm trước, nhưng không thay đổi so với tháng 9/2023, số liệu được điều chỉnh theo mùa từ Bộ Lao động Mỹ. Trước đó, các nhà kinh tế học được Dow Jones khảo sát dự báo rằng CPI tháng này sẽ tăng khoảng 0,1% so với tháng 9 và 3,3% so với năm 2022.
CPI tháng 10 giữ nguyên bởi giá năng lượng giảm 2,5% trong tháng, bù đắp cho mức tăng 0,3% của chỉ số thực phẩm. Đây là tốc độ tăng hàng tháng chậm nhất kể từ tháng 7/2022.
Chi phí phương tiện, vốn là thành phần lạm phát chính trong thời kỳ tăng đột biến vào năm 2021-2022, đã giảm trong tháng 10. Giá xe mới giảm 0,1%, trong khi giá xe cũ giảm 0,8% và giảm 7,1% so với một năm trước.
Chi phí nhà ở, một thành phần quan trọng trong chỉ số CPI, tăng 0,3% trong tháng, bằng một nửa mức tăng trong tháng 9, thời điểm mà mức tăng so với cùng kỳ năm trước giảm xuống còn 6,7%.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi trong tháng 10 của Mỹ tăng 0,2% so với tháng 9 và 4% so với năm 2022, thấp hơn dự báo lần lượt là 0,3% và 4,1%. Mức tăng lạm phát hàng năm thấp nhất trong 2 năm, giảm từ mức 4,1% trong tháng 9, mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Thị trường chứng khoán tăng mạnh sau khi thông tin được công bố. Chỉ số Dow Jones tăng vọt gần 500 điểm khi lãi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh. Theo dữ liệu của CME Group, các nhà giao dịch cũng loại bỏ gần như hoàn toàn khả năng tăng lãi suất của Fed.
“Fed có vẻ thông minh khi kết thúc chu kỳ thắt chặt của mình một cách hiệu quả khi lạm phát tiếp tục giảm. Lợi suất trái phiếu giảm đáng kể do các nhà đầu tư không tin rằng Fed đã kết thúc chu kỳ nâng lãi suất”, Bryce Doty, quản lý danh mục đầu tư đến từ hãng Sit Fixed Income Advidors, nhận định.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang theo dõi chặt chẽ Fed về các bước tiếp theo trong cuộc chiến chống lạm phát dai dẳng bắt đầu từ tháng 3/2022. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tăng lãi suất liên tiếp 11 lần với tổng số 5,25 điểm phần trăm.
Trong khi phần lớn thị trường tin rằng Fed đã hoàn tất việc thắt chặt chính sách tiền tệ, dữ liệu gần đây đã gửi đi tín hiệu mẫu thuẫn.
Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) trong tháng 10 chỉ tăng 150.000, cho thấy thị trường lao động cuối cùng cũng đang có dấu hiệu phản ứng với những nỗ lực của Fed nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng cung cầu vốn là một yếu tố góp phần gây ra lạm phát.
Chi phí lao động đã tăng với tốc độ chậm hơn nhiều trong một năm rưỡi qua do năng suất tăng trong năm nay.
Theo một thông cáo riêng của Bộ Lao động Mỹ, thu nhập thực tế trung bình theo giờ - được điều chỉnh theo lạm phát - tăng 0,2% hàng tháng trong tháng 10 nhưng chỉ tăng 0,8% so với một năm trước.
Nhìn chung, GDP Mỹ đã tăng trong quý 3, với tốc độ 4,9% hàng năm, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế học đều kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể.
Tuy nhiên, các chỉ số khác cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng vẫn đang tăng, nguyên nhân có thể là do giá xăng tăng đột biến và sự bất ổn do cuộc chiến ở Ukraine và Gaza./.