Mỹ: Cuộc sống tại ngôi nhà nhỏ bé nằm 'lọt thỏm' giữa một khu phức hợp hiện đại

Hầu hết thời gian trong năm, ngôi nhà chìm trong bóng tối. Một số cây cối đang chết dần. Cây xoài cũng đã ngừng ra quả.

Ngôi nhà nhỏ của Orlando Capote giữa khu phức hợp hiện đại. (Nguồn: Miami Herald)

Ngôi nhà nhỏ của Orlando Capote giữa khu phức hợp hiện đại. (Nguồn: Miami Herald)

Tại phía Miami, nam Florida, Mỹ, có một dự án bất động sản hạng sang mới được xây dựng tại khu dân cư Coral Gables.

Nhưng điều khiến cho dự án này gây chú ý trong thời gian là sự xuất hiện “lạc loài” của một căn nhà nhỏ bé nằm ngay giữa khu phức hợp rộng mênh mông. Xung quanh ngôi nhà là bãi đỗ xe, các tòa nhà và khách sạn cao tầng.

Ngôi nhà của Orlando Capote, một kỹ sư điện 68 tuổi, là ngôi nhà điển hình ở Coral Gables. Đó là ngôi nhà trát vữa theo phong cách Địa Trung Hải, chỉ có 1 tầng, 2 phòng ngủ, và một mái nhà lợp ngói đẹp như tranh. Trước đây, có rất nhiều ngôi nhà như vậy trong khu phố này. Nhưng giờ đây nó là ngôi nhà duy nhất còn sót lại.

Hầu hết thời gian trong năm, ngôi nhà của ông chìm trong bóng tối. Một số cây cối đang chết dần. Cây xoài cũng đã ngừng ra quả.

Muốn đến nhà của Capote cũng cần phải có chỉ dẫn đặc biệt, đi qua những con phố một chiều len lỏi giữa các siêu thị nhỏ và khu dân cư, đến một con hẻm không có biển báo, và điểm kết thúc là sân sau nhà ông. Ông cho biết có những đống đổ nát trong sân mà ông không thể nhờ chính quyền thành phố dọn dẹp.

Từ sân trước nhà ông, ngay đối diện bên kia đường, có thể thấy ôtô và xe buýt đang đỗ thành hàng dài bên ngoài khách sạn Loews rộng lớn vừa mới xây. Những chậu cây được ông đặt trước cửa nhà như một nỗ lực để che giấu ngôi nhà khỏi tầm nhìn từ phía khách sạn.

Trong nhiều tháng, ông đã phải liên tục làm việc với chính quyền thành phố về các hành vi vi phạm quy định như để cỏ mọc um tùm hay mèo hoang tới sống. Ông cho biết có lúc số tiền phạt lên tới gần 30.000 USD.

Sau hai thập kỷ tham gia đấu tranh chống lại các nhà phát triển thành phố, Capote đã trở nên thành thạo về luật quy hoạch và phân vùng. Ông nhập cư vào Mỹ cùng bố mẹ khi còn là một thiếu niên và năm 1989, họ đã mua ngôi nhà ở Coral Gables này.

Vào năm 2013, Agave Holdings, đã mua lại khu dân cư này và bắt đầu một dự án lớn đầy tham vọng. Capote cho biết người của công ty đã đến tìm ông để thỏa thuận mua lại ngôi nhà nhưng ông từ chối và chấp nhận sống trong cảnh bất tiện.

Capote cho biết thời điểm tồi tệ nhất của ông là thời gian khu phức hợp được xây dựng. Cần cẩu lắc lư ngay trên nhà của ông và con phố này bị đóng cửa trong gần hai năm.

 Ngôi nhà nhỏ của Orlando Capote giữa khu phức hợp hiện đại. (Nguồn: Miami Herald)

Ngôi nhà nhỏ của Orlando Capote giữa khu phức hợp hiện đại. (Nguồn: Miami Herald)

Tuy nhiên, Capote quyết tâm ở lại ngôi nhà vốn là “giấc mơ Mỹ” mà bố mẹ ông đã mua với giá 135.000 USD vào năm 1989. Không giống như những người hàng xóm đã chấp nhận rời đi sau khi nhận tiền đền bù, Capote vẫn ở lại số 2915 Coconut Grove Drive với mong ước có thể thành công trong cuộc đấu tranh phản đối lại việc các dự án lớn đang nuốt chửng thành phố xinh đẹp này.

Mẹ ông, Lucia, 94 tuổi đã qua đời vào năm ngoái sau khi bị ngã gãy chân ở trong bếp. Bố ông, một thanh tra điện, đã qua đời ở tuổi 80 vào năm 2005. Tuy nhiên, dù chỉ còn có một mình, Capote vẫn quyết sẽ không rời đi.

Đối với ông, ngôi nhà là một kho lưu giữ những kỷ niệm về cha mẹ ông, mà ông là người đã chăm sóc họ. “Tôi thấy mẹ tôi ngồi trước hiên nhà hoặc chơi đàn piano, hoặc mang một cốc nước cho bố tôi khi ông làm việc trong sân,” ông nói.

“Tôi ở lại vì lý do tình cảm – những kỷ niệm sẽ tồn tại mãi chừng nào tôi vẫn còn sống ở đây. Và còn vì lý do tài chính. Chúng tôi đã sống sót qua cuộc khủng hoảng năm 2008 trong ngôi nhà này, và sống qua đại dịch COVID-19 dưới mái nhà này. Tôi cố gắng không nhìn thấy những tòa tháp, và tôi nghĩ đây là nơi tốt nhất cho mình.”

Thị trưởng Coral Gables Vince Lago cho biết thành phố chỉ đang thực thi các quy định. Nhưng ông thừa nhận rằng hiện tại Capote đang ở trong tình huống khó khăn khi phải sống đối diện với một khách sạn 14 tầng đông đúc. "Bây giờ họ là hàng xóm trong một khu đất khá lớn,” Lago nói. "Và họ phải tìm cách để cùng tồn tại"./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/my-cuoc-song-tai-ngoi-nha-nho-be-nam-lot-thom-giua-mot-khu-phuc-hop-hien-dai-post968558.vnp