Mỹ đã nhận được cảnh báo về một trận Trân Châu Cảng mới từ chính quyền Nhật
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cũng kêu gọi chính quyền Mỹ tích cực kiềm chế Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cho biết, giới lãnh đạo Mỹ nên suy nghĩ về việc bảo vệ ở mức độ đáng tin cậy các căn cứ quân sự quan trọng nhất của mình ở Thái Bình Dương.
Các cuộc tập trận của hải quân Nga ở trung tâm Thái Bình Dương có thể gây ra mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia của Mỹ, tương đương với nguy cơ xảy ra một trận Trân Châu Cảng mới, ông Nakayama nói.
"70 năm trước, chúng tôi đã tấn công Trân Châu Cảng ... những lời cảnh báo về Nga nên được xử lý một cách thận trọng", quan chức Nhật Bản giải thích quan điểm của mình.
Ngoài ra, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cũng kêu gọi chính quyền Mỹ tích cực kiềm chế Trung Quốc, nước có ảnh hưởng ở châu Á đang tăng lên hàng năm.
Phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng trong Thế Chiến II - ảnh tư liệu.
Trân Châu Cảng là địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của quần đảo Hawaii. Hải cảng nước sâu này nằm ở phía Tây thành phố Honolulu trên đảo O'ahu, giữa vùng Bắc Thái Bình Dương. Do nằm ở vị trí đắc địa, Trân Châu Cảng sớm được người Mỹ sử dụng làm căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần, là cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa các chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương.
Từ căn cứ này, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ có thể khống chế toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương bằng các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và không quân của hạm đội, đồng thời chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Việc bố phòng ở cảng hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm.
Trong Thế Chiến II, Phát xít Nhật lúc đó lại tính toán rằng cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Trân Châu Cảng sẽ ngăn ngừa và giữ chân hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh Quốc, Hà Lan và Mỹ.
Nhưng Trân Châu Cảng có lẽ là nguyên nhân lớn khiến Nhật Bản nói riêng và phe phát xít nói chung thất bại trong Thế chiến thứ II. Thay vì khiến người Mỹ bị đòn đánh phủ đầu làm cho nản lòng để Nhật có thể tiếp tục chinh phục Đông Nam Á mà không bị can thiệp, nó lại phản tác dụng và đi ngược với dự tính ban đầu.