Mỹ đã thuyết phục Pháp, Đức viện trợ cho Ukraine như thế nào?
Trong bối cảnh nguồn viện trợ của Mỹ bị đình trệ do căng thẳng chính trị nội bộ, Washington dường như đang dựa vào các cường quốc châu Âu để bù đắp sự thiếu hụt này. Mới đây, Pháp và Đức cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong năm 2024.
Theo đài Sputnik (Nga), sau nỗ lực phản công thất bại của Kiev năm 2023, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết ngừng vận chuyển vũ khí tới quốc gia này. Vậy Mỹ đang cố gắng thế nào để giữ một số nền kinh tế lớn nhất Tây Âu tham gia nỗ lực này?
Ngày 14/1, tân Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock tuyên bố hai quốc gia này sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi còn thấy cần thiết.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, quan chức ngoại giao Pháp và Đức cùng khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng chúng tôi phải hỗ trợ người Ukraine khi còn cần”.
Nhà phân tích Adriel Kasonta, cựu Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế tại tổ chức nghiên cứu Bow Group, lập luận: “Đức là quốc gia rất thú vị. Người Mỹ có ảnh hưởng rất lớn ở Đức sau Thế chiến thứ hai. Để đáp ứng các cam kết đối với quyền bá chủ phương Tây, Mỹ và Đức phải thực hiện hoặc thể hiện nỗ lực hơn nữa trong bất kỳ điều gì mà các nước châu Âu đang thực hiện. Vì vậy, chẳng hạn, nếu Mỹ phản đối các cáo buộc chống lại Israel do Nam Phi đưa ra, thì Đức phải là quốc gia đầu tiên phản đối sau Mỹ. Nếu Washington nói rằng Nga là đối thủ của họ, thì Đức phải là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có đánh tiếng trống tương tự và duy trì nguồn viện trợ cho Ukraine”.
Ông Kasonta cũng cho rằng Đức được hưởng lợi lớn từ làn sóng người di cư Ukraine do xung đột gây ra, đồng thời gọi nước này là “nền kinh tế di cư”.
Lao động giá rẻ từ khắp châu Âu rất quan trọng đối với sức mạnh kinh tế của Đức, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang gây tác dụng ngược, đẩy chi phí năng lượng tăng cao.
Nhà phân tích các vấn đề Nga Gilbert Doctorow cũng chỉ ra rằng việc mất nguồn khí đốt của Nga đã có tác động rất tai hại đến khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Đức và đầu tư vào sản xuất mới.
Chuyên gia quan hệ quốc tế này lưu ý Pháp có mối quan hệ với Mỹ khác với Đức, và nước này cũng có lý do riêng để tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
“Các quốc gia này đều viện trợ rất lớn cho Ukraine nhằm đảm bảo Nga sẽ không giành chiến thắng, điều sẽ trở thành thảm họa lớn đối với NATO và toàn bộ khái niệm an ninh châu Âu hiện có mà các nước này đang chia sẻ”, ông giải thích.
Cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra cam kết sâu sắc trong cuộc xung đột ở Donbass. Họ coi đây là cuộc chiến sinh tồn cho châu Âu và họ sẽ gặp khó khăn khi đột ngột rút nguồn viện trợ cho Ukraine.
Theo ông Kasonta, Mỹ cũng đã đạt được một mục tiêu quan trọng trong cuộc xung đột này. Washington đã mở rộng việc bán vũ khí bằng cách gây áp lực buộc các lực lượng vũ trang ở cả hai bờ Đại Tây Dương phải nâng cấp kho vũ khí của họ.
Dù mục tiêu giáng một đòn mạnh vào Nga rõ ràng đã thất bại, nhưng ông Kasonta cho rằng các chính phủ phương Tây sẽ không thừa nhận thất bại của họ.
Về phần mình, hôm 15/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố nếu phương Tây muốn đàm phán về xung đột Ukraine thì nên ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev.
“Nếu nói về mong muốn của một số quốc gia muốn tìm lối thoát khỏi ngõ cụt mà họ đã bị Washington lôi kéo thì đây là một vấn đề. Trong trường hợp này, họ nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và ngừng đưa ra các tuyên bố chống Nga”.
Bà nhấn mạnh nếu những nỗ lực này hướng đến việc lôi kéo Nga vào một quá trình nào đó theo cách của phương Tây nhằm tác động đến các cách tiếp cận có nguyên tắc của Nga, thì Moskva sẽ không rơi vào cái bẫy này.