Mỹ dẫn đầu nỗ lực ngoại giao kêu gọi Israel kiềm chế sau vụ tấn công Golan

Mỹ hiện dẫn đầu một nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah sau vụ tấn công tên lửa khiến 12 thiếu niên thiệt mạng tại cao nguyên Golan. Các nguồn tin cho biết Washington ráo riết thuyết phục Israel không tấn công các cơ sở dân sự lớn của Lebanon, bao gồm thủ đô Beirut.

Ảnh minh họa: Reuters.

Ảnh minh họa: Reuters.

Năm nguồn tin nội bộ vừa tiết lộ rằng, Mỹ đang dẫn đầu một nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm ngăn chặn khả năng Israel tấn công Beirut, thủ đô của Lebanon, hoặc các cơ sở dân sự lớn của quốc gia này, nhằm đáp trả vụ tấn công tên lửa đẫm máu nhằm vào cao nguyên Golan hồi tuần trước. Vụ tấn công đã khiến 12 thiếu niên thiệt mạng.

Theo đó, bao gồm một số quan chức Lebanon và Israel cùng các nhà ngoại giao từ Trung Đông và châu Âu, Washington đang ráo riết ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Israel và tổ chức Hezbollah của Lebanon. Israel và Mỹ đã cáo buộc Hezbollah đứng sau vụ tấn công nhưng tổ chức này đã bác bỏ các cáo buộc.

Các nguồn tin cho biết, những nỗ lực ngoại giao này nhằm giới hạn quy mô đáp trả của Israel thông qua việc thuyết phục quốc gia này không tấn công thủ đô Beirut, khu vực ngoại ô phía Nam của thành phố nơi Hezbollah đặt trụ sở, hoặc các cơ sở dân sự quan trọng khác như cảng hàng không và cầu đường bộ.

Phó chủ tịch quốc hội Lebanon, Elias Bou Saab cho biết đã liên lạc với Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein kể từ sau vụ tấn công tại Golan. Ông Elias Bou Saab nói rằng, Israel có thể ngăn ngừa rủi ro leo thang bằng cách tránh tấn công thường dân và Beirut cùng khu vực ngoại ô xung quanh.

"Nếu họ tránh tấn công thường dân, thủ đô Beirut cùng với khu vực ngoại ô xung quanh thì họ có thể thực hiện tấn công một cách chính xác hơn", ông Bou Saab tuyên bố.

Các quan chức Israel khẳng định chính phủ nước này muốn tấn công Hezbollah nhưng không muốn kéo toàn khu vực vào chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, hai nhà ngoại giao từ Trung Đông và châu Âu cho biết Israel chưa cam kết sẽ tránh tấn công Beirut, khu vực ngoại ô Beirut hay các cơ sở hạ tầng dân sự.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ không bình luận về chi tiết các trao đổi ngoại giao nhưng vẫn đang tìm kiếm "giải pháp lâu dài" nhằm kết thúc các vụ xô xát xuyên biên giới. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyền tự vệ của Israel và không chùn bước trước những đe dọa từ Iran, bao gồm cả Hezbollah."

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết, Israel có toàn quyền đáp trả vụ tấn công nhằm vào Golan, nhưng không bên nào muốn xảy ra chiến tranh toàn diện. "Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc thảo luận trong cuối tuần vừa qua, và tiến hành các thảo luận ở nhiều cấp khác nhau. Tuy nhiên, tôi sẽ không đi vào chi tiết về các thảo luận này", ông Kirby nói.

Văn phòng Thủ tướng Israel đã không phản hồi yêu cầu bình luận và Hezbollah từ chối bình luận.

Năm cá nhân có thông tin nội bộ đã tham gia nỗ lực ngoại giao trong hai ngày qua hoặc nắm được thông tin về nỗ lực ngoại giao này. Họ cho biết nỗ lực này hướng tới đạt được một giải pháp có tính toán tương tự như nỗ lực nhằm hạn chế vụ trao đổi hỏa lực bằng tên lửa và máy bay không người lái vào tháng 4 giữa Israel và Iran, sau khi Israel tấn công đại sứ quán Iran tại Damascus.

Một quan chức Iran cho biết, Mỹ đã gửi thông điệp tới Tehran ít nhất ba lần kể từ khi vụ tấn công cao nguyên Golan xảy ra vào ngày thứ Bảy vừa rồi, "cảnh báo rằng mọi hành động leo thang căng thẳng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các bên."

Hezbollah, tổ chức mạnh mẽ nhất trong Trục Kháng chiến của Iran, đã trao đổi hỏa lực xuyên biên giới Israel-Lebanon với quân đội Israel kể từ khi cuộc chiến Gaza nổ ra vào tháng 10/2023 tới nay.

Trong xung đột lớn lần cuối vào năm 2006 giữa Israel và Hezbollah, lực lượng Israel đã đánh bom khu ngoại ô phía Nam Beirut, có tên Dahiya, phá hủy một số tòa nhà của Hezbollah cũng như một số tòa nhà dân cư. Cảng hàng không ở Beirut cũng bị đánh bom và ngừng hoạt động. Theo đó, trên toàn Lebanon, các cầu, đường, trạm xăng và các cơ sở dân sự khác cũng đã bị phá hủy.

Một nhà ngoại giao người Pháp cho biết sau khi vụ tấn công nhằm vào Golan xảy ra, Pháp cũng đã tham gia truyền tin nhắn giữa Israel và Hezbollah để giảm leo thang căng thẳng.

Bộ ngoại giao Pháp không phản hồi trước các yêu cầu bình luận.

Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa của Israel - một đơn vị quân đội chịu trách nhiệm bảo vệ thường dân, vẫn chưa đưa ra thay đổi về các thông tin dành cho công dân. Đây là một tín hiệu cho thấy quân đội nước này không cho rằng còn có mối đe dọa nào trước mắt tới từ Hezbollah hay các tổ chức khác.

Hôm 28/7, nội các an ninh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cho phép thủ tướng và bộ trưởng bộ quốc phòng "quyết định về thời điểm và phương pháp đáp trả" nhằm vào Hezbollah.

Cùng với việc các đối tác từ cánh cực hữu của Netanyahu – Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir – bỏ phiếu trắng, quyết định này cho thấy Israel muốn đưa ra một biện pháp đáp trả có quy mô nhỏ hơn so với tuyên bố chiến tranh toàn diện, một phương án mà một số chính trị gia Israel đã lên tiếng ủng hộ.

Sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào cao nguyên Golan, ông Smotrich đã đưa ra một số tuyên bố yêu cầu có hành động mạnh mẽ.

Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-dan-dau-no-luc-ngoai-giao-keu-goi-israel-kiem-che-sau-vu-tan-cong-golan-204240730102313911.htm