Mỹ đang đánh mất lợi thế trong cuộc 'so găng' với Trung Quốc?
Tổng thống Trump muốn siết chặt cuộc chiến thương mại vào tham vọng kinh tế toàn cầu rộng lớn của Trung Quốc, nhưng điều này rất khó khăn.
Việc Tổng thống Donald Trump ‘đặt nước Mỹ lên trên hết’ và bỏ rơi các mối quan hệ quốc tế, ông đã loại bỏ những đối tác cần thiết để thúc đẩy một hệ thống dựa trên luật pháp, giúp kiềm chế Trung Quốc. Điều này khiến những nỗ lực của Mỹ có thể trở thành vô nghĩa. Giáo sư Tiến sĩ Terry F. Buss, thành viên Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ đánh giá về cục diện cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hiện tại trong cuộc trả lời phỏng vấn VOV.
PV: Xin chào GS. TS Terry Buss. Tuần trước, người ta thấy một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc: đó là chiến tranh tiền tệ. Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 2008, đáp trả việc Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp thêm thuế. Điều đáng chú ý của diễn biến này là gì?
GS. TS Terry Buss: Sau diễn biến này, mọi người lập tức coi đây là hành động thao túng tiền tệ của Trung Quốc, còn tôi thì không chắc đó là một chính sách chủ ý của chính phủ Trung Quốc đã dẫn tới việc làm này. Điều có thể nói ở đây là Trung Quốc đang cố gắng gửi đi một thông điệp rằng họ có thể gây ảnh hưởng lên cuộc chiến tranh thương mại bằng cách tác động vào đồng nội tệ.
Mục đích của việc này là nhằm hạ thấp các chi phí với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, giảm bớt một phần hiệu quả của các lệnh áp thuế mà Tổng thống Trump nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Nhưng thực ra mục tiêu của họ là duy trì thị phần của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường thế giới. Nếu không làm vậy, các biện pháp áp thuế của Mỹ sẽ gây áp lực, buộc các đối tác tìm hàng hóa của các nước khác thay thế.
Điều đáng lo ngại là việc Tổng thống Trump gây áp lực với Cục Dự trữ Liên bang (FED) để thực hiện điều mà ông muốn làm tương tự như Trung Quốc. Ông ấy nói rằng muốn một đồng USD yếu hơn để thúc đẩy xuất khẩu ta thế giới, trong đó có cả Trung Quốc. Chính cuộc đua của họ khiến cho những sự việc vừa qua giống như một cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra, song hành cùng cuộc chiến thuế quan với các mức thuế mới đánh vào hàng hóa của nhau.
PV: Điều này càng giúp củng cố cho lập luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, thưa ông?
GS. TS Terry Buss: Thực ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép với FED để hạ giá đồng USD nhằm tạo cạnh tranh cho hàng hóa Mỹ xuất khẩu. Tuy nhiên điều này là bất thường nếu nhìn trên góc độ kinh tế bởi xuất khẩu hàng hóa chỉ chiếm 12% GDP của Mỹ. Xuất khẩu không phải là thế mạnh của Mỹ, lĩnh vực mà Mỹ đứng đầu là công nghiệp dịch vụ. Việc hạ giá đồng USD chỉ giúp trợ cấp cho các khách hàng mua dịch vụ mà thôi. Điều này thật điên rồ.
Điều thứ hai là việc rất nhiều quốc gia đang muốn đầu tư vào Mỹ, trong đó có cả Trung Quốc. Đồng USD yếu sẽ khiến họ chuyển đầu tư sang chỗ khác. Vậy nên thật vô lý khi cho rằng hạ giá đồng USD Mỹ sẽ giúp sức cho xuất khẩu hàng hóa của Mỹ như nhôm hay thép. Đó là những ngành công nghiệp truyền thống và trợ cấp cho họ qua đồng USD yếu thật là vô lý. Tôi nghĩ vấn đề lớn hơn nếu nhìn từ góc độ kinh tế là việc Mỹ và Trung Quốc đang nhìn về phía sau hơn là hướng về tương lai. Trung Quốc nhận ra rằng định hướng trở thành ‘công xưởng của thế giới’ với hàng hóa giá rẻ không phải lợi ích chiến lược của họ trong dài hạn. Họ trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa giá rẻ với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo và sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin phức tạp. Đây cũng chính là con đường mà Mỹ đang đi.
Điều buồn cười là để xây dựng một ngành công nghiệp chủ chốt trong tương lai như vậy đòi hỏi phải thu hút lượng vốn đầu tư lớn. Muốn làm được điều đó, nước Mỹ phải có một đồng USD mạnh. Việc chăm bẵm các ngành công nghiệp đã lỗi thời và không đầu tư đúng mức cho các lĩnh vực thế mạnh ở tương lai là chính sách rất kỳ lạ. Trung Quốc cũng mắc sai lầm tương tự. Đấy chính là thực tế của chiến tranh thương mại.
PV: Vậy ông đánh giá ra sao về kết cục của cuộc chiến thương mại này, khi nào nó sẽ xảy ra?
GS. TS Terry Buss: Tôi nghĩ rằng chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ sẽ bị chi phối bởi việc Mỹ hay Trung Quốc thống trị thế giới và đặc biệt là tại khu vực. Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump thực sự muốn siết chặt cuộc chiến thương mại vào tham vọng kinh tế toàn cầu rộng lớn của Trung Quốc. Những vấn đề khác như biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, Philippines… cũng phần nào cũng có liên quan tới chiến tranh thương mại.
Tôi nghĩ điều cần phải làm là theo dõi các vấn đề này, mọi việc sẽ rõ ràng hơn trong thời gian tới, cũng có thể là xa hơn. Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ là can thiệp vào tình hình ở Hong Long, Mỹ lại đáp trả bằng việc bán vũ khí cho Đài Loan hay việc tăng cường sự hiện diện của hải quân tại biển Đông bằng các chuyến tuần tra tại đây.
Tôi nghĩ sẽ còn nhiều diễn biến căng thẳng trong thời gian tới. Tôi muốn thêm vào đây là sai lầm lớn nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump đã phạm phải là rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay tháng đầu nhậm chức. Tôi nghĩ đây là một trong những sai lầm tồi tệ nhất mà một tổng thống Mỹ từng phạm phải. Bởi nếu Trump thúc đẩy một loạt các nỗ lực nhằm vào Trung Quốc cùng 11 nước thành viên khác tại Thái Bình Dương, đó sẽ là một chiến lược rất tốt.
Giờ thì Mỹ đã mất đi một đòn bẩy để phối hợp với các đồng minh và đối tác. Thậm chí 11 nước này còn đang tìm kiếm những lợi ích với nhau chứ không phải là Mỹ. Và giờ mọi người đều biết Trung Quốc đang cố bắt chước mô hình của TPP ở khu vực. Tôi nghĩ nước Mỹ đã đánh mất lợi thế với việc rời bỏ TPP.
PV: Và cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới và những luật lệ thương mại mới?
GS. TS Terry Buss: Tôi nghĩ điều đó đúng nhưng thực ra nó đã bắt đầu từ rất lâu trước khi Trump khai hỏa cuộc chiến nhằm vào Trung Quốc. Nên nhớ rằng Tổng thống Richard Nixon đã rất ‘cởi mở’ với Trung Quốc với việc cho họ rất nhiều ưu đãi thương mại từ những năm 1970.
Đây là một món hời với Trung Quốc bởi họ có thể tận dụng rất nhiều ưu đãi về thuế quan và nhiều thứ khác mà Mỹ vẫn áp dụng trong thương mại quốc tế. Sau đó, Mỹ còn ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian này, Trung Quốc vẫn cứ nói rằng luật lệ thương mại quốc tế luôn gây bất lợi cho họ. Bởi lẽ Trung Quốc muốn bảo hộ cho các doanh nghiệp còn non trẻ của mình. Họ muốn trợ cấp cho các công ty nội địa, kiểm soát hệ thống ngân hàng, biến nó thành những hệ thống phi thị trường, để tạo ra ưu thế cho các công ty Trung Quốc. Ta có thể thấy rằng Trung Quốc đang là một trong những nhân tố lớn nhất trong thương mại toàn cầu nhưng không phải theo nghĩa tích cực.
Họ bẻ cong luật lệ bất cứ khi nào họ cần. Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc còn công khai rằng Trung Quốc muốn xây dựng một trật tự thế giới mới theo mô hình của Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo lắng bởi mô hình của Trung Quốc là mô hình theo định hướng quyền lực, không phải mô hình phát triển dựa trên luật pháp. Bởi thế, người nào nắm quyền lực, người đó sẽ quyết định việc đánh thuế vào đâu.
PV: Dự án Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đang triển khai khắp các châu lục liệu có giúp họ vươn tới mục tiêu này hay không, thưa giáo sư?
GS. TS Terry Buss: Trung Quốc là quốc gia rất đặc biệt căn cứ trên những mục tiêu rất dài hạn mà họ ấp ủ. Hầu hết các quốc gia, trong đó có cả Mỹ đều không có các mục tiêu như vậy, bởi họ chỉ dựa trên tình hình kinh doanh và các mục tiêu kinh tế sẽ quyết định tất cả. Nhưng Trung Quốc thì ngược lại, họ có tham vọng chi phối hệ thống luật lệ của hệ thống thương mại toàn cầu, và cả hệ thống tài chính quốc tế nữa.
Vành đai và con đường, cả phiên bản trên đất liền và trên biển đều nhắm tới các dòng chảy của thương mại. Họ có vẻ đang triển khai rất tốt. Giờ thì chính quyền Donald Trump đã nhận ra rằng họ cần phải đẩy lui chiến lược này. Tôi không chắc rằng Mỹ sẽ thành công, bởi Trung Quốc quá giỏi trong việc ‘cài cắm’ chính sách ở mức độ toàn cầu. Và chúng ta rất khó có thể loại bỏ các chính sách này vào thời điểm hiện tại. Điều này đáng lý ra phải được làm từ thời tổng thống George Bush (con) hoặc sớm hơn.
Tuy nhiên rào cản là việc Mỹ luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc là nước đang phát triển, và luôn hành động dựa trên luật pháp, trong khi thực tế không phải vậy. Và giờ thì ta thấy kết quả rồi đấy, toàn những sự hiểu sai về bản chất của Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc suốt 3 thập kỷ qua đều nhắc tới chiến lược ‘Náu mình chờ thời’ và từng bước thực hiện mọi việc theo cách của họ để đạt được cái họ muốn. Chả ai quá bận tâm tới những việc Trung Quốc làm. Nói chung Trung Quốc quá giỏi trong việc lên kế hoạch và họ sẵn sàng chờ đợi hẳn 1000 năm. Bởi thế rất khó để kiềm chế họ.
Trung Quốc cũng đang ‘tấn công’ cả những khu vực mà họ ít có quan hệ truyền thống. Ví dụ như bờ Đông của lục địa châu Phi họ đã có căn cứ hải quân. Họ đầu tư vào Venezuela, họ đạt được thỏa thuận với Nga để mở rộng Vành đai và Con đường trên các hướng khác nhau. Châu Âu cũng đã ít nhiều nhất trí việc sẽ hợp tác với Trung Quốc.
Đây là điểm rất quan trọng bởi một số việc Trump đã làm đúng. Nhưng khi ông ấy nói muốn nước Mỹ sẽ đi một mình và bỏ rơi các mối quan hệ quốc tế, Trump đã loại bỏ những đối tác cần thiết để thúc đẩy một hệ thống dựa trên luật pháp. Giờ đây các nước đều nói rằng: “Trung Quốc mang tới những thỏa thuận tốt hơn nên chúng tôi làm ăn với họ”. Tôi vẫn nghĩ sai lầm khủng khiếp nhất là việc Mỹ rút khỏi các tổ chức quốc tế.
PV: Vậy liệu phần còn lại của thế giới có phải ‘chọn bên’ trong cuộc đấu quyền lực này như thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhắc tới hay không?
GS. TS Terry Buss: Về lý thuyết thì tôi cho rằng hầu hết các quốc gia sẽ buộc phải ‘chọn bên’ nhưng trên thực tế, sẽ chả ai làm thế cả. Bởi gần như toàn bộ phần còn lại của thế giới đều gắn bó với cả hai cường quốc này rất chặt chẽ. Bạn có thể thấy điều đó ở Australia những ngày này khi người ta tranh luận việc Australia phải ‘đi với’ Trung Quốc vì những lợi ích thương mại trong khi nhiều người ủng hộ gần gũi với Mỹ vì đó là đối tác an ninh và nhà đầu tư lớn nhất của Australia. Tuy nhiên, tại khu vực này, ta thấy các nước đều rất am hiểu chuyện cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, chẳng hạn như Singapore hay Việt Nam.
Thực tế thì họ chẳng đưa ra quyết định nào cả, bởi chọn bên nào thì cũng gặp phải rắc rối với bên kia. Các nước trong khu vực vẫn sẽ duy trì quan hệ với tất cả các bên và giữ sự độc lập của mình. Nhưng điều cần phải nói ở đây là khi Trump rút ra khỏi TPP, cơ bản là ông ấy đã nói với các quốc gia tại khu vực châu Á TBD rằng chúng tôi chẳng ngại gì mà không đàm phán lại tất cả các hiệp định đã ký, và chúng tôi sẽ làm thế. Ông ấy khiến các nước băn khoăn rằng nước Mỹ sẽ đứng về phía họ hay không. Tôi cho rằng có rất nhiều quốc gia không tin vào những gì Mỹ đang nói và làm.
Chính sách của Mỹ thay đổi liên tục, và không may nữa là 18 tháng nữa, nước Mỹ có thể có một vị Tổng thống mới và mọi thứ lại xoay chuyển lần nữa. Ổn định là điều xa xỉ khi Obama, Trump rồi một ai đó lên rồi lại quay ngoắt 180 độ. Tôi không nghĩ Việt Nam hay Singapore sẽ tiếp tục thay đổi theo nước Mỹ. Vì thế, lựa chọn tốt nhất cho các nước trong khu vực có lẽ là ngồi chờ và đứng về phía người thắng cuộc.
PV: Trung Quốc có vẻ đang nhẫn nại chờ đợi tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 mới ‘chốt’ thỏa thuận thương mại. Họ hy vọng là một Tổng thống của phe Dân chủ sẽ dễ đoán và dễ nhân nhượng hơn trong đàm phán. Ông nghĩ gì về khả năng này?
GS. TS Terry Buss: Tôi nghĩ trước hết cần phải hiểu bối cảnh chính trị Mỹ vào lúc này. Obama làm mọi thứ để bắt đầu kiềm chế Trung Quốc, ông ấy ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và rồi Trump thắng cử. Chính sách của Trump là việc đảo ngược toàn bộ những gì Obama đã làm. Tất cả mọi thứ đều là lộn ngược lại. Quan sát đảng Dân chủ thời gian qua, tôi tin rằng họ sẽ lại đảo ngược mọi thứ Trump đã làm.
Ví dụ như các cáo buộc thao túng tiền tệ nhằm vào Trung Quốc, phe Dân chủ ủng hộ việc tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ nhiều năm rồi. Đó là vấn đề lớn với họ. Khi Trump tuyên bố Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ, họ chẳng buồn lên tiếng nữa. Xin nhắc lại là không lãnh đạo cấp cao của đảng Dân chủ nào nhắc tới Trung Quốc về khía cạnh này. Điều đó có nghĩa gì?
Thứ hai là chính đảng Dân chủ lại chống lại TPP rất mạnh, họ không coi trọng lắm hệ thống thương mại dựa trên luật lệ. Họ có vẻ muốn cô lập hiệp định này. Nếu bạn muốn làm chủ và dẫn dắt quyền lực tại khu vực châu Á TBD, bạn cần phải cho thấy bạn sẵn sàng giao thương với và đạt thỏa thuận với mọi người để tất cả cùng hưởng lợi. Nhưng tôi không thấy các đại diện của đảng Dân chủ muốn làm điều này, trong khi Trump cũng đã không làm thế rồi.
Tôi không thấy triển vọng nước Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại theo kiểu này, cho dù đối tác có là ai chăng nữa. Năm 2016, khi Bernie Sanders và Hillary Clinton cùng chạy đua để so tài cùng Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống, họ đã chỉ trích TPP rất nhiều. Đơn giản bởi các công đoàn ở Mỹ không thích hiệp định này. Họ sẽ không thông qua bất cứ thỏa thuận nào như thế. Điều đang nói nữa là Trump đã hoàn thành đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Canada và Mexico. Đây là một thành quả rất lớn.
Nhưng nhiều tháng rồi mà phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện vẫn không thông qua Hiệp định này. Bởi vậy nên nếu bạn có được một thỏa thuận tốt, họ cũng chẳng thông qua đâu. Bởi vậy, nếu Trung Quốc chờ đợi một bất ngờ vào năm sau, họ sẽ găp phải một người không sẵn lòng đàm phán và cũng không muốn triển khai một thỏa thuận thương mại kiểu này. Đó sẽ là rủi ro lớn với Trung Quốc nếu họ thực sự nghĩ thế. Và có thể là rủi ro cho cả kinh tế toàn cầu.
Thực sự tôi chưa nhìn thấy tín hiệu tích cực nào của phe Dân chủ trong vấn đề thương mại. Đảng Dân chủ vốn không thích tăng chi tiêu quốc phòng, nên nếu họ thắng cử, họ sẽ cắt giảm mạnh ngân sách trong việc này như cách mà chính quyền Obama đã làm. Sẽ có ít chuyến tuần tra tự do hàng hải ở khu vực châu Á hơn. Đảng Dân chủ cũng không thích thương mại, họ muốn giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua các tổ chức đa phương. Nói chung, sẽ rất rủi ro nếu cứ trông đợi vào một kế hoach như vậy.
Xin cảm ơn ông./.