Mỹ đang ở thế chủ động?

Thị trường trái phiếu, chứng khoán, vàng nóng như chảo lửa. Diễn tiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vào giai đoạn 'giáp lá cà'. Chính quyền Mỹ chú trọng cạnh tranh, trong khi Trung Quốc 'hoãn binh kế', với những bước đi đầy chiến lược và thời kỳ căng thẳng, dai dẳng của chiến tranh thương mại kéo dài, xem ra người Mỹ chờ đợi chủ nhân kế tiếp của Nhà trắng.

Mỹ chấp nhận leo thang
Ngày 1-9-2019, hàng loạt lá chắn thuế của Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt căng thẳng tột độ của chiến tranh thương mại (CTTM) giữa Mỹ và Trung Quốc. Leo thang là từ phổ biến được dùng để mô tả về mức độ gia tăng căng thẳng của cuộc chiến này.

Thực chất cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ là chiến lược cạnh tranh ở tầm quốc gia, ít nhất là đối với phía chủ động khơi mào cuộc chiến là chính quyền Trump.

Về mặt giá trị, tính theo USD, đến hiện tại tổng thuế quan của Mỹ áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc đã leo lên con số cực khủng 550 tỷ USD, trong khi tổng thuế quan của Trung Quốc áp dụng cho hàng hóa Mỹ 185 tỷ USD. Đặc biệt trong tháng 8 chứng kiến diễn biến của CTTM khá dồn dập và cực kỳ căng thẳng.

Cụ thể, ngày 6-8 Mỹ cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Ngay lập tức, Trung Quốc phản công bằng biện pháp tạm ngừng mua những sản phẩm nông nghiệp mới của Mỹ. Ngày 13-8, Mỹ thông báo trì hoãn áp dụng thuế quan đối với một số sản phẩm Trung Quốc cho đến 15-12, dù mức thuế 10% đối với các hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc vẫn có hiệu lực vào ngày 1-9 như đã thông báo trước đó.

Mỹ đồng thời thông báo sẽ xóa tên một số hàng hóa khỏi danh sách bị áp thuế. Cùng ngày, đáp trả lại động thái mềm mỏng này của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo 2 bên đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán qua điện thoại.
Đến ngày 23-8, Trung Quốc công bố mức thuế 75 tỷ USD đối với hàng hóa của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9. Ngay lập tức Mỹ đe dọa sẽ tăng thuế 5-10% đối với hàng hóa Trung Quốc áp dụng luôn vào ngày 1-9, và đến ngày 1-10 có thể gia tăng tiếp từ 10% lên đến 25%.

Chính sách của Donald Trump muốn cạnh tranh bình đẳng trong thương mại, không muốn chiến tranh.

Chính sách của Donald Trump muốn cạnh tranh bình đẳng trong thương mại, không muốn chiến tranh.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng dòng trạng thái trên Twitter rằng các công ty của Mỹ nên bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Trung Quốc. Ngày 24-8 Mỹ thông báo tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 25% lên 30% từ ngày 1-10, và thuế áp lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là 15% thay vì 10% như kế hoạch.

Ngày 25-8, tại cuộc gặp của các lãnh đạo G7 ở Pháp, Tổng thống Trump cho biết có thể coi CTTM Mỹ - Trung leo thang là tình hình khẩn cấp quốc gia. Trước đó ông Trump đã từng bày tỏ sự tiếc nuối vì đã không tăng thuế cao hơn nữa đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ngày 26-8, Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), người đại diện về đàm phám thương mại của Trung Quốc, nêu rõ quan điểm phản đối sự leo thang của CTTM, cho rằng điều đó đi ngược với lợi ích của chính nước Mỹ, Trung Quốc và toàn thế giới.

Cạnh tranh, không phải chiến tranh

Động cơ của CTTM xuất phát từ những điều được tôn vinh trong xã hội Mỹ, như chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ, thương mại không công bằng trong cán cân thương mại…

Trong kinh doanh, người ta xem cạnh tranh như những điều tất yếu, và cạnh tranh lành mạnh được cho sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Trong ngôn ngữ kinh tế học, người ta còn gọi sự cạnh tranh như vai trò của bàn tay vô hình, điều tiết cung cầu thị trường, như quy luật tiến hóa và đào thải của tạo hóa, để cuối cùng chỉ có những sản phẩm, dịch vụ, và mô hình kinh doanh được xã hội chấp nhận mới tăng trưởng và tồn tại.

Sử dụng cụm từ CTTM thật ra đã có hàm ý chỉ trích ngay từ đầu đối với những gì đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến tranh khiến người ta liên tưởng đến sự sống còn, hủy diệt, đi ngược lại với khao khát sinh tồn và phát triển. Cuộc chiến thương mại hiện nay có lẽ sẽ đơn giản hơn nếu quy chiếu nó về tầm vi mô, giữa 2 công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Chiến lược cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh trong môi trường thị trường đỏ (đối nghịch với chiến lược đại dương xanh), các công ty sẽ giành giật thị phần trực tiếp với nhau, đã được đưa vào lý thuyết cổ điển, cũng đã quen thuộc trong môi trường doanh nghiệp thực tế ở bất kỳ quốc gia nào.

Vậy, việc Mỹ hay quốc gia nào đó muốn hàng hóa của mình bán được nhiều hơn, hay có lợi thế cạnh tranh hơn, lại được gọi là “chiến tranh”, các ngụ ý về những điều tiêu cực trong câu chuyện cạnh tranh ở tầm quốc gia này có tính chất thêm mắm thêm muối.

Xu hướng toàn cầu hóa đã kéo dài rất lâu, điểm nhấn của nó có lẽ là sự hội nhập về mặt chính sách của các quốc gia khu vực châu Âu. Sự mở cửa biên giới của khu vực này có thể nói là “di tích” hết sức to lớn của phong trào toàn cầu hóa. Và điều gì quá nhiều cũng đều không tốt, giống như ăn cơm quá nhiều bị bội thực vậy.

Toàn cầu hóa khiến Trung Quốc trở thành công trường quốc tế, và đến khi thặng dư thương mại quá lệch về phía Trung Quốc, nó khiến người Mỹ phải tìm cách thay đổi cục diện này cũng là lẽ bình thường. Và thực chất cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ là chiến lược cạnh tranh ở tầm quốc gia, ít nhất là đối với phía chủ động khơi mào cuộc chiến là chính quyền Trump.

Chờ “lá bài” mới từ Nhà trắng

Có thể nói, Tổng thống Trump là nhân tố quan trọng trong việc có xảy ra hay không CTTM Mỹ - Trung. Từ khi là ứng viên chạy đua vào Nhà trắng, ông đã khẳng định định hướng chính sách tài khóa sẽ chấn chỉnh cán cân thương mại với Trung Quốc. Một dấu hiệu rất sớm từ Trump là dòng trạng thái trên mạng xã hội rằng “Trung Quốc không phải là đồng minh hay người bạn, họ muốn đánh bại và sở hữu đất nước của chúng ta”. Cho nên việc ông Trump có đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 hay không là biến số lớn đối với diễn tiến CTTM.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, có thể nói là lúc “giờ ngọ đã điểm” - theo ngôn ngữ của binh pháp Trung Hoa. “Huyệt” của Tổng thống Trump nằm ở chỗ ông có tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo hay không. Do đó từ tháng 8 trở đi cho đến khi rõ ràng ai sẽ là chủ Nhà trắng nhiệm kỳ tiếp theo, Trung Quốc khó lòng có bước đi mềm dẻo nào.

Và những điều ngặt nhất sẽ được triển khai, khiến cử tri Mỹ bi quan hơn về mục tiêu “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” ông Trump đã và đang theo đuổi. Chính quyền Trung Quốc muốn điểm vào cái “huyệt” này của ông Trump, đặc biệt để mài mòn lòng tin của cử tri Mỹ, những người đã bầu cho ông Trump chiến thắng năm 2016.

Nếu người tiếp quản Nhà trắng là người từ đảng Dân chủ, bàn tròn thương mại Mỹ - Trung sẽ đổi chiều mạnh mẽ. Ngược lại, nếu Nhà trắng vẫn do đảng Cộng hòa nắm giữ, chắc chắc đó vẫn không ai khác ngoài Donald Trump cầm quyền.

Nếu một nền kinh tế luôn phải đối mặt với sự đánh đổi về công bằng và hiệu quả, rõ ràng ông Trump có định hướng muốn nở to miếng bánh kinh tế, hơn là chú trọng chia miếng bánh đó đồng đều trong dân chúng. Điều đó có vẻ cũng là điều người Mỹ mong muốn, nên họ mới bầu cho ông Trump đắc cử năm 2016. Và chính vì lựa chọn giấc mơ “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nên những điều xáo trộn do CTTM vẫn không làm nao núng người Mỹ.

ThS. Đinh Hạ Vân, Đại học Boras, Thụy Điển

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/my-dang-o-the-chu-dong-71797.html