Mỹ đang sở hữu 5.800 đầu đạn hạt nhân
Trang tin quân sự The Drive dẫn các nguồn tin thân cận trong giới chức quân sự Mỹ đăng tải, lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ hiện duy trì 1.750 đầu đạn hạt nhân ở chế độ chiến đấu; 2.050 đầu đạn ở chế độ niêm cất và hơn 2.000 đầu đạn đang chờ được loại biên. Như vậy, Quân đội Mỹ hiện sở hữu tổng cộng hơn 5.800 đầu đạn hạt nhân các loại.
Nguồn tin trên cũng cho biết thêm, trong số 1.750 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai, có 400 đầu đạn lắp đặt trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất, 900 đầu đạn được biên chế cho các đơn vị tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 300 đầu đạn thuộc biên chế không quân chiến lược và khoảng 150 đầu đạn triển khai tại các căn cứ quân sự ở châu Âu. Toàn bộ số đầu đạn trên được triển khai tại 24 căn cứ tại 11 bang tại Mỹ và lãnh thổ 5 quốc gia châu Âu.
Hiện tại, địa điểm triển khai số lượng đầu đạn hạt nhân lớn nhất của Mỹ chính là khu phức hợp căn cứ, kho đạn dược Kirtland, nằm ở phía Nam thành phố Albuquerque, bang New Mexico. Phần lớn đầu đạn hạt nhân được niêm cất ở đây để chờ xử lý tại nhà máy Pantex, bang Texas.
Trong tháng 1-2020, Lầu Năm góc tuyên bố loại bỏ các đơn vị bom hạt nhân khỏi trang bị tiêu chuẩn của máy bay ném bom B-52H Stratofortress. Trong khi đó, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit vẫn tiếp tục được trang bị nhiều loại bom hạt nhân hạng nặng.
Mỹ và Nga đang bị ràng buộc về việc triển khai và duy trì quy mô của các lực lượng hạt nhân bởi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START). Theo quy định của START mới nhất, Nga và Mỹ chỉ được phép duy trì không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 phương tiện triển khai, như: Tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng. START sẽ hết hạn vào năm 2021 và hai bên sẽ đàm phán về các điều khoản tiếp tục gia hạn hiệp định.