Mỹ đang trả giá đắt cho cuộc chiến chống Houthi

Dù tăng cường tấn công, Mỹ đang phải trả giá đắt cả về tiền bạc lẫn uy tín khi đối mặt với vũ khí và chiến thuật linh hoạt của Houthi.

Hiện trường một chiếc UAV MQ-9 của Mỹ bị lực lượng Houthi bắn hạ tại Sanaa, Yemen ngày 19/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện trường một chiếc UAV MQ-9 của Mỹ bị lực lượng Houthi bắn hạ tại Sanaa, Yemen ngày 19/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 1/5 đưa tin, chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen đã trở thành hoạt động quân sự tốn kém nhất đang diễn ra của Washington. Trong khi Mỹ gia tăng các cuộc không kích để đạt được mục tiêu khôi phục quyền tự do hàng hải trong khu vực, lực lượng Houthi thân Iran vẫn duy trì khả năng phản công hiệu quả.

Chi phí khổng lồ và thiệt hại ngày càng tăng

Theo tờ New York Times, tổng chi phí cho chiến dịch quân sự của Mỹ chống lại Houthi đã vượt quá 1 tỷ USD và con số khổng lồ đó đã biến cuộc chiến trở thành hoạt động quân sự tốn kém nhất đang diễn ra của Mỹ, và dường như khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn.

Đáng chú ý, hãng thông tấn AP đưa tin rằng lực lượng Houthi đã tấn công ít nhất 7 thiết bị bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ với tổng giá trị hơn 200 triệu USD (175 triệu euro) chỉ trong vài tuần qua. Đây là thiệt hại đáng kể về trang thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) - đơn vị giám sát các hoạt động quân sự và lực lượng ở Trung Đông - lần đầu tiên tiết lộ đã thực hiện 800 cuộc không kích vào các mục tiêu của Houthi kể từ khi bắt đầu "Chiến dịch Rough Rider" vào giữa tháng 3 năm nay.

Dave Eastburn, người phát ngôn của CENTCOM, nêu rõ: "Những cuộc không kích này đã giết chết hàng trăm chiến binh Houthi và nhiều thủ lĩnh nhóm, bao gồm cả các quan chức cấp cao về tên lửa và UAV của Houthi".

Houthi phản công bằng nguồn vũ khí đa dạng

Fabian Hinz, nhà phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh, cho biết: "UAV MQ-9 Reaper cực kỳ hữu ích trong hoạt động quân sự chống Houthi vì chúng có thể bay trên không trong thời gian rất dài và quan sát mọi thứ diễn ra bên dưới, ví dụ như xác định vị trí bệ phóng tên lửa di động".

Tuy nhiên, chuyên gia trên cũng chỉ ra nhược điểm của những thiết bị này: "MQ9 Reaper của Mỹ tương đối chậm vì ban đầu chúng được phát triển để sử dụng trong các nhiệm vụ như Afghanistan hoặc Mali, nơi các nhóm vũ trang không có nhiều hệ thống phòng không".

Houthi sở hữu hai hệ thống phòng không đáng gờm. Chuyên gia Hinz giải thích: "Họ đã kiểm soát một số hệ thống phòng không cũ hơn từ quân đội Yemen khi họ nắm quyền ở nước này vào năm 2015. Đồng thời, họ cũng nhận được nguồn cung cấp từ Iran, bao gồm hệ thống tên lửa '358' [tên lửa đất đối không] được Iran phát triển đặc biệt để bắn hạ loại máy bay không người lái MQ-9 Reaper".

Taimur Khan, người đứng đầu các hoạt động khu vực của tổ chức Nghiên cứu xung đột vũ trang (CAR) tại vùng Vịnh, cho biết: "Houthi vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào Iran để cung cấp các hệ thống chiến lược hơn như hệ thống tên lửa mà họ sử dụng để tấn công các tàu vận chuyển thương mại hoặc các quốc gia xa hơn như Israel".

Tuy nhiên, chuyên gia Khan tiết lộ một xu hướng đáng chú ý: "Houthi cũng đã nỗ lực phối hợp để củng cố chuỗi cung ứng thay thế hoặc đa dạng hóa như thị trường thương mại ở Trung Quốc, nơi họ tìm nguồn cung ứng và mua các mặt hàng lưỡng dụng có sẵn trên thị trường, có thể tích hợp vào UAV và tên lửa trong nước. Đây là một động thái đáng kể".

Theo một báo cáo của CAR đầu tháng 3 vừa qua, Houthi đã cố gắng lấy pin nhiên liệu hydro từ các nhà cung cấp Trung Quốc không xác định để tăng phạm vi và tải trọng cho UAV của họ. Ông Khan xác nhận: "Họ đang thử nghiệm và cố gắng phát triển khả năng của UAV".

Vào đầu tháng 4 năm nay, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng một công ty vệ tinh của Trung Quốc đã hỗ trợ Houthi tấn công vào các lợi ích của Mỹ.

Khói lửa bốc lên sau cuộc không kích của Mỹ tại cảng nhiên liệu Ras Isa ở Hodeidah, Yemen. Ảnh: THX/TTXVN

Khói lửa bốc lên sau cuộc không kích của Mỹ tại cảng nhiên liệu Ras Isa ở Hodeidah, Yemen. Ảnh: THX/TTXVN

Hậu quả nghiêm trọng với dân thường

Giữa các cuộc không kích leo thang, dân thường và người di cư Yemen đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Vào cuối tuần qua, một cuộc không kích của Mỹ vào một trại tập trung người di cư ở tỉnh Saada đã gây thương vong lớn cho người di cư Ethiopia. Theo hãng thông tấn SABA do Houthi điều hành, số người chết đã gần 200, trong khi AP đưa ra con số thấp hơn, khoảng 70 người.

CENTCOM cho biết họ "hiện đang tiến hành đánh giá thiệt hại trong trận chiến và điều tra những khiếu nại đó".

Theo SABA, các cuộc không kích của Mỹ đã giết chết hàng trăm thường dân kể từ giữa tháng 3 năm nay. Thêm vào đó, một phần lớn viện trợ quốc tế đã dừng lại sau khi Houthi bị chỉ định là "tổ chức khủng bố" nước ngoài vào tháng 1/2025. Liên họp quốc cũng đã dừng các dự án nhân đạo vào tháng 2 sau khi nhiều nhân viên bị Houthi bắt cóc.

Mặc dù CENTCOM báo cáo rằng các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Houthi đã giảm 69% và các cuộc tấn công từ UAV tấn công một chiều đã giảm 55%, nhiều nhà quan sát cho rằng rất khó có khả năng các cuộc không kích có thể đánh bại được Houthi - lực lượng được tiếp tế đầy đủ và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu sau nhiều năm nội chiến.

Nhà phân tích Hinz cho rằng các cuộc tấn công của Mỹ vào lực lượng Houthi đã trở nên "mạnh mẽ hơn" và có thể Mỹ đã thay đổi tính toán rủi ro dưới áp lực chính trị của Tổng thống Donald Trump, chẳng hạn như khi ông đưa Houthi trở lại danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài vào tháng 1, hoặc khi lời cảnh báo của ông với Iran vào tháng 3 về việc không cung cấp vũ khí cho Houthi không mang lại kết quả.

Phát ngôn viên của CENTCOM Eastburn tái khẳng định vào đầu tuần này rằng: "Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng áp lực cho đến khi đạt được mục tiêu, đó là khôi phục quyền tự do hàng hải và khả năng răn đe của Mỹ trong khu vực".

Trong khi đó, Cơ quan Tư pháp do Houthi điều hành đã ra tuyên bố khẳng định quyền hợp pháp của Yemen trong việc bảo vệ chủ quyền và công dân của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng việc nhắm vào dân thường là "một tội ác".

Khi cuộc xung đột tiếp tục leo thang, cả hai bên đều dường như kiên quyết tiếp tục con đường quân sự của mình, dự báo một cuộc chiến kéo dài và tốn kém hơn nữa cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là người dân Yemen vốn đã chịu đựng nhiều năm giao tranh.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/my-dang-tra-gia-dat-cho-cuoc-chien-chong-houthi-20250501180514180.htm