"Tiêm kích F-22 và F-35 đang được Mỹ thực hiện những bước đi theo hướng mong muốn lớn nhất của Nga và Trung Quốc", cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ - chuyên gia Mark Schneider đến từ Viện chính sách công quốc gia Mỹ- nêu ý kiến
Theo nhà phân tích quân sự này, Không quân Mỹ ngày càng mất thiện cảm với các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm F-35 và F-22. Trong bối cảnh đó, Lầu Năm Góc có kế hoạch ngừng hoạt động trước thời hạn F-22, đồng thời giảm mua F-35.
Trước thực tế trên, ông Mark Schneider cho rằng, "ước mơ lớn nhất" của Nga và Trung Quốc về những chiếc máy bay chiến đấu này là Quân đội Mỹ sẽ từ chối sử dụng chúng, và họ đã gần đạt được mong muốn của mình.
“Mong muốn lớn nhất của Nga và Trung Quốc là Mỹ từ bỏ F-22 và F-35, bởi họ nhận ra sự đáng sợ và tính năng ưu việt của chúng", tờ 19FortyFive trích dẫn phát biểu của ông Mark Schneider.
Lý do có thể khiến tiêm kích F-22 Raptor nghỉ hưu sớm là khả năng cạnh tranh của chúng thấp. Cụ thể Quân đội Mỹ cho rằng loại máy bay này sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong 20 năm nữa.
Tuy vậy ông Mark Schneider lại cho rằng những kết luận như trên là khá kỳ lạ, bởi vì F-22 xét về tiềm năng chiến đấu vẫn tỏ ra vượt trội so với tất cả các phương tiện hiện có.
Lầu Năm Góc có kế hoạch thay thế F-22 Raptor thế hệ thứ năm bằng máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II thuộc thế hệ 4,5, loại tiêm kích này kém hơn đáng kể so với F-22 về các đặc tính kỹ chiến thuật cơ bản của chúng.
Những nhược điểm của F-15EX đã được chỉ ra bao gồm khả năng dễ bị nhận diện và hứng chịu đòn tấn công từ xa bởi những hệ thống phòng không như S-400 Triumf của Nga, khi tổ hợp này có khả năng phát hiện hành động của máy bay Mỹ ở khoảng cách vài trăm km.
Do đó trong tình huống tác chiến, các máy bay chiến đấu hạng nặng F-15EX này sẽ không thể đến gần biên giới của Liên bang Nga một cách dễ dàng.
Một vấn đề khác cũng đã được vị chuyên gia chỉ ra đó là việc Quân đội Mỹ sửa đổi kế hoạch chế tạo máy bay tàng hình. Vào năm 2020, Lầu Năm Góc đã từ bỏ mục tiêu kiện toàn các phi đội bằng tiêm kích thế hệ thứ năm và hiện đang giảm số lượng đơn đặt hàng đối với F-35.
Ông Mark Shneider cho rằng tất cả những điều này dẫn đến việc làm suy yếu tiềm lực quân sự của Mỹ, trong khi Nga và Trung Quốc đã đạt được thành công đáng kể trong việc triển khai các hệ thống phòng không mạnh mẽ.
Nhà phân tích quân sự cho biết: “Người Nga đã triển khai rộng rãi hệ thống S-400 rất mạnh, tổ hợp S-500 thậm chí còn mạnh hơn gần như đã sẵn sàng hoạt động và phiên bản cải tiến của nó sẽ đi vào trực chiến trong khoảng 5 năm nữa”.
Chuyên gia Schneider dự đoán trong 20 năm tới, Nga sẽ đưa vào vận hành các hệ thống tác chiến mới như S-600 và S-700. Nếu Không quân Mỹ tiếp tục giảm tỷ trọng máy bay tàng hình thì họ có thể gặp vấn đề nghiêm trọng trong cuộc chiến chống lại đối thủ lớn nhất của mình.
Tuy nhiên đề xuất trên của Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn cần được Quốc hội nước này thông qua và chưa có gì bảo đảm nó sẽ nhận nhiều sự đồng tình.
Bạch Dương