Mỹ đánh cược vào hệ thống NASAMS để bảo vệ Ukraine trước UAV Nga
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden viện trợ cho Ukraine hệ thống phòng không NASAMS tuy đắt tiền nhưng chưa chứng minh được nhiều trên thực địa. Họ đánh cược vào hệ thống này, cho rằng thế là đủ để đối đầu với các cuộc không kích của Nga.
Mỹ khá thụ động trước động thái Iran cung cấp UAV quân sự cho Nga
Ngoài việc viện trợ vũ khí phòng không nói trên, Washington gần như không có động thái nào trước việc Iran chuyển giao 3.500 UAV (drone) cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Có lẽ Mỹ đang cố gắng theo đuổi một thỏa thuận hạt nhân với Iran nên mới làm ngơ như vậy.
Cho tới nay, Nga được cho là đã phóng khoảng 400 UAV do Iran sản xuất, chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Ukraine, bao gồm hạ tầng ngành điện. Các UAV và tên lửa Iran cùng với tên lửa hành trình Nga đã gây hư hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng Ukraine.
Số vũ khí Iran chuyển giao cho Nga bao gồm Shahed-129 (phỏng theo UAV Predator của Mỹ), Mohajer-6 (được chế tạo riêng cho lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, mang được 2 tên lửa) và UAV “lảng vảng” Arash-2 (bị cáo buộc là được thiết kế nhằm tấn công Israel), Shahed-136 và Shahed-131. UAV Shahed-131 được cho là chất đầy các thành tố Mỹ bao gồm một vi mạch liên lạc tinh vi. Shahed-136 được cho là sử dụng một động cơ xăng 4 xy-lanh do Trung Quốc sản xuất có thể tạo ra hơn 21,5 mã lực.
Thông tin về việc giao UAV nói trên đã được thu thập từ “Tổ chức Mojahedin Nhân dân” của Iran và được “Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran” có trụ sở ở Paris nêu lại.
Trông cậy vào NASAMS để đối phó UAV do Iran sản xuất
Phản ứng trước việc bàn giao vũ khí nói trên của Iran, Mỹ lựa chọn đẩy nhanh việc cung cấp cho Ukraine 2 tổ hợp phòng không NASAMS (Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến Na Uy) - một dự án chung giữa một công ty của Na Uy và một công ty của Mỹ.
NASAMS chưa bao giờ được sử dụng đáng kể trong tác chiến khốc liệt. NASAMS sử dụng tên lửa không đối không AMRAAM để đánh chặn từ mặt đất.
Một trong các lợi thế chính của NASAMS là có nguồn cung rất lớn các tên lửa AMRAAM được phân phối trên thế giới. Đa phần các tên lửa này là mẫu cũ nhưng được cho là vẫn đủ tốt để chặn cả tên lửa hành trình lẫn UAV, dù rằng thông tin này vẫn phải kiểm nghiệm trong thực tế.
Nhiều điểm yếu của NASAMS
Khi phóng từ mặt đất (thay vì từ máy bay), tên lửa AMRAAM có tầm bắn ngắn hơn nhiều. Người ta ước tính AMRAAM phóng từ bệ NASAMS có thể hiệu quả chỉ tới 40km.
NASAMS có thể phóng các tên lửa có đầu tìm hồng ngoại tầm ngắn hơn như AIM-9 Sidewinder. Nhưng tên lửa do hồng ngoại dẫn đường có giá trị hạn chế trước các UAV tàng hình với động cơ nhỏ.
Có thể còn có một nhược điểm nữa là Mỹ mới sẽ chỉ giao cho Ukraine 2 hệ thống NASAMS, tức là khu vực được bảo vệ sẽ hẹp. Người ta tính cung cấp thêm cho Ukraine 4 hệ thống nữa nhưng sẽ mất thêm thời gian thì các hệ thống mới sản xuất xong và bàn giao xong.
Ngoài ra, NASAMS sẽ gặp khó khi bảo vệ mục tiêu trước lối tấn công theo chiến thuật bầy đàn. Phía Nga có thể kết hợp và phối hợp UAV với tên lửa hành trình, sử dụng chúng với số lượng lớn để tấn công các mục tiêu có giá trị cao.
Mặc dù NASAMS có thể hướng tới nhiều mục tiêu một lúc nhưng nó sẽ gặp phải vấn đề do 2 lý do sau:
1- Radar trên AMRAAMS có thể gặp khó khăn trong việc dò tìm chính xác các UAV nhỏ làm từ composite và nhựa.
AMRAAM vốn dĩ được thiết kế để đánh vào máy bay trên không chứ không phải là các UAV bay chậm hoặc tên lửa hành trình. Saudi Arabia đã bắn hạ UAV của Houthi bằng tên lửa AMRAAM phóng từ máy bay tiêm kích nhưng điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc AMRAAM sẽ hoạt động tốt khi phóng từ các bệ phóng tĩnh trên mặt đất.
Bản thân Mỹ không thành công lắm với các tên lửa có sẵn radar. Trong nhiều năm, các máy bay tiêm kích Mỹ được trang bị tên lửa Sparrow có thiết bị tìm kiếm bằng radar gắn bên trong. Nhưng tên lửa Sparrow thường bắn trượt mục tiêu.
2- AMRAAMS có thể không lọc được các mục tiêu. Nga có thể trộn nhiều loại UAV khác nhau trong bất cứ cuộc tấn công nào, với một số UAV đóng vai trò mồi nhử.
Tên lửa AMRAAMS cũng đắt đỏ ở mức giá khoảng 2,3 triệu USD/đơn vị, tức là đắt gấp hơn 20 lần một quả tên lửa đánh chặn Tamir sử dụng trong hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel.
NASAMS cũng là một hệ thống đắt tiền. Một hệ thống như vậy bán cho Kuwait có giá 3 tỷ USD. Như vậy lô 2 hệ thống NASAMS đầu tiên gửi cho Ukraine đã ngốn 6 tỷ USD, còn cả bộ 6 hệ thống sẽ ngốn tới 18 tỷ USD.
Nếu phương Tây cứ đầu tư mạnh vào việc cung cấp NASAMS cho Ukraine, số lượng các vũ khí khác cho Ukraine sẽ bị giảm để bù trừ, còn kho tên lửa không đối không của Mỹ và NATO sẽ suy giảm./.