Mỹ đánh mạnh vào túi tiền của Myanmar
Mỹ ngày 29-3 thông báo đình chỉ ngay lập tức giao dịch thương mại với Myanmar cho đến khi chính phủ được bầu cử dân chủ quay lại.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai thông báo đình chỉ ngay lập tức mọi cam kết liên quan đến Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư năm 2013 với Myanmar. Theo bà Tai, việc lực lượng an ninh Myanmar giết chết người biểu tình ôn hòa, sinh viên, công nhân và các nhà lãnh đạo lao động cũng như trẻ em đã "gây chấn động lương tâm của cộng đồng quốc tế".
Bà Tai nêu rõ: "Mỹ lên án mạnh mẽ hành động bạo lực của lực lượng an ninh Myanmar đối với dân thường. Những hành động này là cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của đất nước và nỗ lực của người dân Myanmar trong việc tiến tới một tương lai hòa bình và thịnh vượng".
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa 2 tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát gồm Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC) và Công ty TNHH Kinh tế Myanmar (MEHL) vào danh sách đen, đóng băng bất cứ tài sản nào liên quan đến hai doanh nghiệp này trên lãnh thổ Mỹ. Đây là 2 tập đoàn mang lại nguồn thu đáng kể cho quân đội Myanmar, cũng được xem là 2 tập đoàn kiểm soát một phần nền kinh tế Myanmar.
Động thái Mỹ đình chỉ hiệp định thương mại với Myanmar diễn ra khi Liên minh châu Âu (EU) lên án hành vi bạo lực của quân đội nhắm vào người biểu tình. Trong ngày 28-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng chỉ trích hành động của lực lượng an ninh Myanmar là "hoàn toàn vô nhân đạo".
Ngày 29-3, Pháp lên án bạo lực "mù quáng và chết người" ở Myanmar, nói quân đội Myanmar đã phá vỡ lý do tồn tại của họ là bảo vệ người dân.
Cùng ngày, các nguồn tin ngoại giao cho biết Anh đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp của về tình hình ở Myanmar, sau khi nhiều người biểu tình phản đối đảo chính thiệt mạng cuối tuần qua. Theo các nguồn tin, 15 thành viên Hội đồng Bảo an sẽ bắt đầu phiên họp kín vào ngày 31-3 cùng với Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar – bà Christine Schraner Burgener.
Theo Guardian, không rõ liệu Hội đồng Bảo an có thể thống nhất về một tuyên bố mới vào cuối cuộc họp hay không, khi mà tuyên bố cần sự nhất trí giữa các thành viên bao gồm Nga và Trung Quốc. Hôm 10-3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lần đầu ra tuyên bố lên án nạn bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa ở Myanmar, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đồng thời kêu gọi quân đội kiềm chế tối đa.
Bất chấp nguy hiểm, ngày 29-3, hàng ngàn người Myanmar tiếp tục xuống đường để biểu tình. Theo Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), hơn 450 người thiệt mạng trong các đợt trấn áp biểu tình kể từ cuộc đảo chính hôm 1-2.