Mỹ đáp trả ở Iraq sau vụ nã rocket: Nguy cơ tái diễn đối đầu với Iran
Sau cuộc tấn công tên lửa và màn trả đũa của Mỹ tại Iraq, nguy cơ đối đầu Mỹ-Iran lại đang tái diễn, đồng thời nhen nhóm những xung đột ở Trung Đông.
Mỹ hôm qua (12/3) tiến hành không kích trả đũa tại Iraq một ngày sau mà nước này tin là do lực lượng thân Iran tiến hành khiến 2 lính Mỹ và 1 quân nhân Anh thiệt mạng. Nếu như vụ tấn công bằng rocket đêm 11/3 được xem là chưa từng có trong nhiều năm tại Iraq, thì cuộc trả đũa của Mỹ cũng gây thương vong nặng nề nhất, với 26 binh sĩ thuộc lực lượng bán quân sự Iraq, những người được cho là ủng hộ Iran đã thiệt mạng.
Cả chính phủ Iraq và Liên Hợp Quốc hôm qua đều bày tỏ lo ngại những diễn biến mới nhất này có thể một lần nữa làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, đồng thời khiến chảo lửa Trung Đông lại sục sôi.
Lầu Năm Góc hôm qua xác nhận Mỹ đã tấn công 5 cơ sở của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tại Iraq, để đáp trả vụ tấn công nhằm vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở phía Bắc thủ đô Baghdad. Đây đều là những cơ sở chứa vũ khí được sử dụng để nhằm vào binh lính Mỹ và liên quân. Thông cáo cũng nêu rõ, các cuộc tấn công này mang tính “tự vệ, tương xứng và trực tiếp đáp trả mối đe dọa từ các nhóm dân quân Shiite do Iran chống lưng”.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Tổng thống Donald Trump đã cho phép quân đội Mỹ đáp trả vụ tấn công hôm 11/3. Đây cũng là vụ tấn công thứ 22 nhằm vào các lợi ích của Mỹ tại Iraq kể từ cuối tháng 10/2019 vừa qua và tất cả đều chưa có nhóm hay cá nhân nào đứng ra thừa nhận trách nhiệm.
Những vụ đáp trả lẫn nhau này làm tái hiện tình huống cuối năm 2019 khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quy trách nhiệm cho các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn trong vụ tấn công tại Iraq hồi tháng 12 khiến lính Mỹ thiệt mạng. Vụ việc dẫn đến những màn trả đũa liên tiếp, mà đỉnh điểm là vụ không kích của Mỹ khiến Tướng quân đội hàng đầu Iran Qassem Soleimani thiệt mạng, cũng như vụ tấn công tên lửa của Iran khiến hơn 100 lính Mỹ bị tổn thương não.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi đó đã cảnh báo Iran sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công các lợi ích của Mỹ : "Những gì chúng tôi đang làm là chuẩn bị đối phó với tất cả những hành động mà phía Iran có thể thực hiện. Chúng tôi đang thực hiện một chiến dịch tổng lực gồm ngoại giao, kinh tế và giờ là quân sự để thuyết phục Iran cư xử như một quốc gia bình thường và họ sẽ phải trả đắt khi họ gây tổn hại cho nước Mỹ”.
Trong một dấu hiệu cho thấy những diễn biến mới nhất này là đáng lo ngại, bộ chỉ huy quân sự Iraq hôm qua (12/3) đã chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công của liên quân quốc tế, gọi đây là một thách thức an ninh rất nguy hiểm. Tổng thống Iraq Barham Saleh và Chủ tịch Quốc hội Mohammed al- Halboussi cũng lên án vụ tấn công.
Trên thực tế, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ - Iran đang đẩy Iraq vào tình thế mắc kẹt. Là một quốc gia từng bị giằng xé bởi bạo lực và xung đột giáo phái, lại đang phải đối mặt với tình trạng giá dầu sụt giảm và đại dịch Covid-19, có thể thấy Iraq đã phải nỗ lực rất nhiều để duy trì nền hòa bình mong manh hiện nay. Tuy nhiên, để vừa có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Iran, do sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và chính trị, trong khi vẫn có thể giữ quan hệ “ổn định” với Mỹ vì lợi ích quốc gia là điều không hề đễ dàng.
Chính vì thế, dù Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc trục xuất 5.200 binh sĩ Mỹ, song chính phủ Iraq vẫn cam kết tiếp tục các chiến dịch phối hợp với liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu.
Hơn nữa, liên quân quốc tế, dù đã tuyên bố ngừng các chiến dịch chống IS, song vẫn tăng cường lực lượng tới khu vực, với lý do là bảo vệ các căn cứ có binh sĩ của liên quân đồn trú, cũng như các lợi ích của Mỹ tại Iraq. Vì thế, việc 3 binh sĩ liên quân thiệt mạng trong vụ không kích hôm 11/3 có thể tạo ra những bước ngoặt mới. Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Iraq hôm qua kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, không được phép biến Iraq thành “sàn đấu” của sự thù hằn, của những thế lực trong và ngoài khu vực đang tranh giành ảnh hưởng và lợi ích./.