Mỹ đặt 2,5 triệu liều vaccine phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ
Chính phủ Mỹ đã đặt hàng 2,5 triệu liều vaccine do châu Âu sản xuất nhằm tiêm chủng phòng ngừa bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ.
Trong một thông cáo báo chí ngày 1/7, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh của Mỹ (HHS) cho biết: “HHS đã đặt thêm 2,5 triệu liều vaccine Jynneos, một loại vaccine được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép để ngăn chặn bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ. Vaccine này được sử dụng nhằm đối phó những sự bùng phát bệnh đầu mùa khỉ hiện nay và trong tương lai. Đây là một phần trong sự chuẩn bị sẵn sàng đối phó bệnh đậu mùa của Mỹ”.
Bộ trưởng HHS Xavier Becerra cho biết giới chức y tế liên bang đang phối hợp với các quan chức y tế cộng đồng tại các bang và các khu vực tàu điện ngầm lớn để cung cấp vaccine và liệu trình chữa trị nhằm đối phó sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay. Đơn hàng bổ sung vaccine Jynneos sẽ giúp HHS phân phối vaccine nhanh hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ vẫn tiếp tục lây lan trên toàn thế giới có thể tạo cơ hội để virus lây lan đến các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc trẻ em. WHO thông báo đang điều tra các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em, trong đó có 2 ca ở Anh cùng các ca bệnh tại Tây Ban Nha và Pháp. Trong số các ca đậu mùa khỉ ở trẻ em được ghi nhận cho đến nay, không có ca nào nghiêm trọng.
Hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận ở hơn 50 quốc gia không tính các nước ở châu Phi đã coi đây là bệnh lưu hành. WHO cũng cho biết số ca mắc mới đang tăng tại các quốc gia này, kêu gọi đẩy mạnh xét nghiệm. Kể từ khi bùng phát vào tháng 5 vừa qua, thế giới đã ghi nhận hơn 3.400 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 1 ca tử vong. Số ca mắc mới chủ yếu được phát hiện ở châu Âu, trong nhóm nam giới có quan hệ đồng tính. Từ đầu năm đến nay, các nước coi bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành cũng đã ghi nhận hơn 1.500 ca mắc, trong đó có 66 ca tử vong. WHO quyết định đợt bùng phát này chưa gây ra tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng, mức độ cảnh báo dịch bệnh cao nhất của tổ chức này.