Mỹ đạt cột mốc 1.000 tiêm kích F-35
Công ty Lockheed Martin của Mỹ đã sản xuất chiếc F-35 Lightning II thứ 1.000, đây là dòng tiêm kích thế hệ thứ năm quy mô lớn nhất trên thế giới.
Các nhà báo thuộc ấn phẩm The War Zone đã phỏng vấn đại diện Lockheed Martin, với câu hỏi về tình trạng giao hàng đối với tiêm kích F-35, bao gồm cả chiếc máy bay thứ 1.000.
“Việc sản xuất F-35 vẫn tiếp tục và nhiều chiếc đang trong các giai đoạn lắp ráp cuối cùng khác nhau.
Sau khi phần cứng và phần mềm TR-3 cần thiết được cung cấp, quá trình sản xuất sẽ tiếp tục, bao gồm cả những sản phẩm hiện đang trong tình trạng chờ tại nhà máy.
Sau đó, những chiếc F-35 sẽ sẵn sàng được bàn giao", dịch vụ báo chí của công ty nói rõ.
Đây là cách Lockheed mô tả tình huống giao máy bay bị chậm trễ, mặc dù được sản xuất liên tục nhưng không đến tay khách hàng mà đến kho của công ty, do Không lực Hoa Kỳ từ chối tiếp nhận và đưa vào sử dụng.
Trọng tâm của sự chậm trễ này là dự án hiện đại hóa máy bay lên cấp độ Block 4, hay đúng hơn là bản cập nhật phần cứng và phần mềm Technology Refresh 3 (hoặc TR-3). Thật không may, TR-3 đã chậm tiến độ một năm.
Theo báo cáo gần đây của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO), chuyến bay kiểm tra đầu tiên với gói TR-3 đã phát hiện ra các vấn đề về phần mềm mà những bài thử nghiệm trong phòng thí nghiệm chưa từng thấy.
Do vậy bắt đầu từ cuối mùa hè này, tất cả những chiếc F-35 ra khỏi dây chuyền lắp ráp với bản nâng cấp TR-3 sẽ chưa được đưa vào sử dụng, cho đến khi khả năng chiến đấu của chúng được xác nhận.
TR-3 vẫn là một thành phần quan trọng đối với khả năng chiến đấu của F-35 trong tương lai. Sự chậm trễ liên quan đến TR-3 bao gồm việc sản xuất chiếc Lightning II thứ 1.000.
Tuy nhiên bất chấp sự chậm trễ, Lockheed Martin vẫn tiếp tục sản xuất chiếc máy bay phản lực này, họ tích trữ hàng tồn kho ở nhà máy Fort Worth, Texas.
Theo ông Greg Ulmer- Phó chủ tịch điều hành bộ phận hàng không của Lockheed, F-35 Block 4 về cơ bản sẽ tốt hơn, giống như một chiếc máy bay hoàn toàn mới về nhiều mặt.
Bản nâng cấp TR-3 tạo thành nền tảng công nghệ thông tin cho việc sửa đổi, sẽ bao gồm bộ xử lý lõi tích hợp mới, rất cần thiết để liên kết những cảm biến thế hệ mới, đặc biệt là hệ thống định vị quang - điện tử EOTS.
Bất chấp những vấn đề, việc sản xuất 1.000 chiếc F-35 vẫn là một thành tựu lớn.
Hiện tại, 17 quốc gia trên thế giới tham gia chương trình Máy bay chiến đấu tấn công kết hợp (JSF).
Trong so sánh liên quan, hiện tại Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga có chưa tới 10 chiếc Su-57 thuộc lô sản xuất hàng loạt và dự kiến tới năm 2027 họ có tối đa 76 chiếc.
Tính đến đầu tháng 1/2024, F-35 đã tích lũy được hơn 773.000 giờ bay, đào tạo hơn 2.280 phi công và 15.400 kỹ sư trong 14 lực lượng hàng không trên toàn thế giới và thực hiện hơn 469.000 phi vụ.
Hiện có 32 căn cứ không quân và 11 tàu mặt nước đã tiếp nhận, hoặc có khả năng tiếp nhận tiêm kích F-35.
Theo The War Zone
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/my-dat-cot-moc-1000-tiem-kich-f-35-post668275.html