Mỹ đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công

Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu để thông qua trần nợ công mới vào ngày 31/5.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công mới (Ảnh: CNN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công mới (Ảnh: CNN)

Đạt thỏa thuận sơ bộ

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trong hôm 27/5 đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ công, có hiệu lực trong 2 năm, theo Wall Street Journal.

Thỏa thuận được công bố sau khi ông Biden có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với ông McCarthy trong đêm hôm 27/5.

Trước đó, Nhà Trắng và các nhà lập pháp Mỹ đã có nhiều tuần đàm phán trong bế tắc.

Ông McCarthy cho hay, một cuộc bỏ phiếu có thể sẽ được tổ chức tại Hạ viện trong hôm thứ Tư tuần tới. Tuy nhiên, do đảng Cộng hòa đang giữ đa số ghế ở Hạ viện nên chưa thể chắc chắn thỏa thuận mới sẽ được thông qua.

Trong khi đó, ông Joe Biden hối thúc lưỡng viện nhanh chóng thông qua thỏa thuận mới và cho rằng nó sẽ giúp ngăn chặn “một vụ vỡ nợ thảm họa kéo theo suy thoái kinh tế, tài khoản hưu trí bị tàn phá và hàng triệu việc làm biến mất”.

“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông McCarthy nói với các phóng viên trên Đồi Capitol đêm hôm 27/5.

Các nhà lập pháp và Nhà Trắng đang chịu sức ép hành động một cách nhanh chóng. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trước đó đã cảnh báo rằng Mỹ có thể cạn tiền mặt để trả các khoản nợ vào ngày 5/6, một viễn cảnh có thể gây ra những hậu quả kinh tế và tài chính sâu rộng.

Sự thỏa hiệp của hai phe

Thỏa thuận mới sẽ duy trì chi tiêu phi quốc phòng trong năm 2024 ở mức gần bằng với năm tài khóa 2023 và tăng khoảng 1% trong năm 2025, theo WSJ. Chi tiêu quốc phòng sẽ gần bằng với mức đề xuất trong kế hoạch tài khóa 2024 của Tổng thống Biden.

Nhà Trắng cũng chấp nhận một điều kiện quan trọng của phe Cộng hòa: Thắt chặt các yêu cầu công việc đối với viện trợ thực phẩm liên bang, chủ yếu bằng cách tạm thời nâng ngưỡng tuổi cao nhất trong Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP).

Thỏa thuận sơ bộ chủ yếu yêu cầu những người ở độ tuổi từ 49 - 54 ở độ tuổi làm việc, có thu nhập thấp, khỏe mạnh, không có người phụ thuộc, mới có thể nhận viện trợ thực phẩm.

Theo quy định hiện hành ở Mỹ, những người ở độ tuổi 18 – 49 không có người phụ thuộc, không khuyết tật có thể nhận viện trợ, trừ khi họ đang làm việc hoặc đăng ký vào một chương trình việc làm.

Thỏa thuận mới cũng nới lỏng một số yêu cầu công việc đối với cựu chiến binh và người vô gia cư, và không áp đặt thêm yêu cầu nào khác đối với chương trình Medicaid.

Mặc dù thỏa thuận mới vẫn có thể gặp phải nhiều chướng ngại khi trình Quốc hội Mỹ, nhưng nó đánh dấu lần đầu tiên một thỏa thuận lớn được đàm phán giữa Nhà Trắng và Hạ viện mà đảng Cộng hòa đang kiểm soát.

Một số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã kêu gọi cắt giảm chi tiêu nhiều hơn so với thỏa thuận mới, trong khi nhóm Dân chủ cấp tiến đã ngăn cản quyết định đàm phán với phe Cộng hòa của ông Biden.

Thỏa thuận mới cần được sự ủng hộ của lưỡng đảng mới có thể được thông qua tại Hạ viện. Trong khi đó, ở Thượng viện, thỏa thuận mới sẽ cần 60 phiếu thuận mới có thể được thông qua./.

Theo Wall Street Journal

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-dat-thoa-thuan-so-bo-ve-nang-tran-no-cong-post167086.html