Mỹ đau đầu với bài toán lạm phát
Số liệu mới về tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang chồng chất thêm khó khăn cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nỗ lực giải quyết các thách thức kinh tế giữa bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ đang đến gần.
Bài toán lạm phát và nguy cơ suy thoái
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, lạm phát tại nước này tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 9, dấu hiệu mới nhất cho thấy sức ép giá cả khó kiểm soát hơn dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng mạnh lãi suất.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 8, trong khi giới phân tích dự báo mức tăng 0,2%, với giá thực phẩm, chi phí cho nhà ở và y tế tăng đã gây khó khăn cho người tiêu dùng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cả tăng 8,2%, sau khi tăng 8,3% trong tháng 8.
Nhà Trắng ra thông cáo cho biết Tổng thống Joe Biden nhận định tỷ lệ lạm phát trong tháng trước cho thấy một số tiến bộ trong cuộc chiến chống lại giá tiêu dùng tăng cao, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Vì vậy, Tổng thống Biden coi việc chống lạm phát toàn cầu là ưu tiên hàng đầu của ông.
Ngày 11/10, trả lời phỏng vấn CNN, ông Biden thừa nhận khả năng kinh tế Mỹ sẽ xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ, song ông cho rằng kịch bản này sẽ không xảy ra. Nhận định của ông Biden đang trái ngược với những cảnh báo bi quan từ các chuyên gia về tương lai kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Trả lời phỏng vấn hãng CNBC ngày 10/10, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co Jamie Dimon cảnh báo Mỹ và kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái vào giữa năm tới.
Theo ông Dimon, đà tăng của lạm phát, lãi suất, xung đột tại Ukraine và những tác động chưa thể ước tính từ chính sách tiền tệ của Fed là những dấu hiệu về một cuộc suy thoái.
Ông Dimon cho rằng những thách thức trên đều rất nghiêm trọng và sẽ khiến Mỹ lẫn cả thế giới rơi vào suy thoái, trong đó nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy thoái trong sáu đến chín tháng nữa.
Theo một cuộc khảo sát của công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới KPMG, 80% Giám đốc điều hành (CEO) toàn cầu dự đoán sẽ xảy ra một cuộc suy thoái trong năm tới dù hầu hết các chuyên gia này tin rằng chu kỳ suy thoái trên sẽ "nhẹ và trong thời gian ngắn".
Cuộc thăm dò cho thấy 14% CEO xem suy thoái kinh tế là một mối lo cấp bách, tăng so với mức 9% trong cuộc khảo sát hồi đầu năm nay.
Lo lắng của Fed
Số liệu mới nhất về lạm phát chắc chắn sẽ khiến Fed thất vọng, sau khi cơ quan này tiến hành đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ ba liên tiếp. Trong một phát biểu, Chủ tịch Jerome Powell đã thừa nhận rằng không có giải pháp chống lạm phát nào không gây đau đớn.
Theo biên bản cuộc họp hồi tháng trước được Fed công bố ngày 12/10, các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí rằng để giảm lạm phát, nền kinh tế đầu tàu thế giới phải chấp nhận tăng trưởng giảm tốc và thị trường việc làm đình trệ trong bối cảnh giá cả hàng hóa và dịch vụ vẫn đang ở mức cao.
Các chuyên gia nhấn mạnh CPI trong tháng 9 cho thấy Fed vẫn chưa thể hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2%, giữa bối cảnh ngân hàng trung ương này nỗ lực ngăn chặn lạm phát trước khi vấn đề này ăn sâu vào nền kinh tế.
Các nhà phân tích dự báo báo cáo đáng thất vọng về lạm phát không chỉ làm tăng khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tháng 11, mà còn làm dấy lên đồn đoán về một đợt tăng lãi suất siêu lớn trong tháng 12/2022 hoặc các đợt tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Lãi suất cao hơn sẽ đè nặng lên các hoạt động kinh tế khi làm tăng chi phí đối với các khoản thế chấp và các sản phẩm vay nợ khác.
Nhà phân tích ngành bán lẻ Neil Saunders của công ty tư vấn GlobalData (Anh) lưu ý hóa đơn năng lượng cao hơn trong những tháng mùa Đông có thể là đòn giáng mạnh tiếp theo đối với niềm tin của người tiêu dùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), các hộ gia đình sử dụng khí đốt tự nhiên sẽ phải trả trung bình 931 USD trong mùa Đông sắp tới, tăng 28% so với năm ngoái.
Báo cáo của LendingTree, một công ty cho vay trực tuyến có trụ sở chính tại Charlotte, bang North Carolina, cho thấy trong 6 tháng qua, có 32% người trưởng thành được khảo sát cho biết không thể thanh toán đúng hạn các hóa đơn tiện ích cho cuộc sống hằng ngày và 61% trong số này phàn nàn không có tiền để trang trải chi phí.
Khoảng 40% người được hỏi thừa nhận khả năng chi trả các hóa đơn của họ đã giảm sút so với 1 năm trước. Báo cáo trên đã phản ánh tình trạng lạm phát kéo dài làm gia tăng gánh nặng lên người tiêu dùng khi cuộc sống ngày càng đắt đỏ và túi tiền của người dân ngày càng eo hẹp.