Mỹ đẩy ba đồng minh Trung Đông tiến vào thượng đỉnh lịch sử
Ba quốc gia Ai Cập, UAE và Israel đang tìm cách cân bằng mối quan hệ căng thẳng của họ với chính quyền Biden trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ai Cập đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với các nhà lãnh đạo của Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào thứ Hai và thứ Ba, dấu hiệu mới nhất cho thấy sự tái tổ chức nhanh chóng các liên minh chính trị tại Trung Đông kể từ khi Israel thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020 với một số quốc gia Ả Rập.
Chính phủ ở cả ba quốc gia này tương đối thận trọng về các nội dung Thủ tướng Israel Naftali Bennett; người nắm quyền thực tế của UAE, Thái tử Mohammed bin Zayed; và Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi, đã thảo luận tại cuộc họp của họ ở khu nghỉ mát ven Biển Đỏ Sharm el Sheikh.
Israel chỉ nói rằng họ tập trung vào tăng cường mối quan hệ giữa ba nước. Còn một phát ngôn viên của tổng thống Ai Cập, dường như cảnh giác với sự thù địch trong nước đối với Israel, chỉ nhắc đến cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo UAE và Tổng thống Ai Cập mà không đề cập đến ông Bennett.
Các nhà phân tích cho biết, những tuyên bố mơ hồ có chủ ý này đã che khuất một bước phát triển quan trọng trong khu vực, khi các cường quốc Trung Đông dường như tăng cường hợp tác với nhau để cân bằng mối quan hệ căng thẳng của họ với chính quyền Biden, giữa bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng do cuộc chiến Ukraine của Nga gây ra.
Sức ép từ Mỹ - Iran
Cả ba quốc gia này đều phải đối mặt với áp lực nặng nề từ Washington trong việc xa rời Nga và trong trường hợp của UAE, cũng phải cung cấp nhiều dầu hơn khi phương Tây không còn muốn lệ thuộc vào dầu khí của Moscow.
Và việc ba nước này liên kết với nhau cũng diễn ra khi Mỹ theo đuổi một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, đối thủ của cả Israel và UAE. UAE và một đồng minh quan trọng khác của Mỹ trong khu vực, Saudi Arabia, lâu nay đã phàn nàn về việc Mỹ không thể hiện sự hỗ trợ với họ sau các cuộc tấn công được cho là có liên quan đến Iran. Abdulkhaleq Abdulla, một nhà phân tích chính trị UAE, cho biết: "Thật thú vị khi thấy họ nói rằng, từ bây giờ, chúng tôi sẽ phát ngôn như một nhóm. "Họ không muốn gửi đi một thông điệp cá nhân, mà là một thông điệp tập thể, đối với cả Iran và Mỹ. Lực lượng tổng hợp các đồng minh lớn trong khu vực này của Mỹ sẽ có sức nặng hơn là từng nước một đối thoại với Washington".
Trong nhiều thập kỷ, Israel bị hầu hết các nước Arab tẩy chay, trừ hai quốc gia Jordan và Ai Cập. Đối với hầu hết các chính phủ Ả Rập, việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ mà người Palestine tuyên bố chủ quyền đã khiến quan hệ hai bên đình trệ. Và ngay cả Jordan và Ai Cập cũng hạn chế công khai mối quan hệ của họ với Israel.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh công khai ở Sharm el Sheikh lần này cho thấy một bước đi xa rời cách suy nghĩ cũ. Lúc này, lợi thế của việc xây dựng mối quan hệ kinh tế lớn hơn với Israel và nỗi lo chung về kho hạt nhân của Iran dường như là những ưu tiên lớn hơn đối với họ, thay vì tìm ra giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ, năm cường quốc toàn cầu khác và Iran đã gần đạt được một giải pháp nhưng hiện phụ thuộc vào một yêu cầu của Iran: Washington đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, lực lượng quân sự hùng mạnh của nước này, ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố.
Israel và các đồng minh Trung Đông khác của Washington đã vận động chính quyền Biden không nhượng bộ, bày tỏ lo ngại rằng làm như vậy sẽ củng cố sức mạnh cho các nhóm do Iran hậu thuẫn trong khu vực, được cho là có Hezbollah ở Lebanon và Houthis ở Yemen.
Về phía các nước Ả Rập, hợp tác cũng đang được đẩy nhanh trên các mặt khác. Cuộc gặp tại Sharm el Sheikh theo sau chuyến thăm của ông Bennett tới Bahrain vào tháng 2 vừa qua và tới UAE vào tháng 12 năm ngoái, cả hai đều là lần đầu tiên của một thủ tướng Israel.
Mục tiêu bắt kịp thời cuộc của Ai Cập
Nimrod Novik, nhà phân tích tại Diễn đàn Chính sách Israel, cho rằng trong bối cảnh mối quan hệ giữa UAE và Israel đang ấm lên, việc Ai Cập đăng cai tổ chức hội nghị 3 bên cho thấy họ đang bắt kịp quá trình này.
Cairo ít lo ngại về thỏa thuận với Iran hơn so với các nước khác. Nhưng họ nhìn thấy cơ hội để lấy lại vai trò trung gian lịch sử của mình, Hellyer, một học giả về Trung Đông tại Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế cho biết.
Abdelmonem Said Aly, một nhà phân tích chính trị có quan hệ với chính phủ Ai Cập cho biết, Ai Cập cũng đang tìm cách tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu, điều mà họ không thể đạt được nếu không có Israel, quốc gia cung cấp phần lớn khí đốt thô để Ai Cập chế biến và tái xuất khẩu.
Chiến tranh Ukraine đã làm rung chuyển Trung Đông trên một số vấn đề, bao gồm cả việc đẩy giá lương thực lên cao và đe dọa các nền kinh tế trong khu vực. Và tình hình này cũng khiến sự hợp tác trong khu vực trở nên cấp thiết hơn, ông Abdelmonem Said Aly nói.
Trong khi nền kinh tế đang bị lung lay bởi cuộc chiến Ukraine, Ai Cập hy vọng sẽ thu hút khách du lịch Israel đến các khu nghỉ dưỡng ở Biển Đỏ và thúc đẩy đầu tư của Vịnh Ba Tư vào nước này. Cả hai nỗ lực đều đã đạt được một số thành công: Israel và Ai Cập vừa công bố mở các chuyến bay thẳng mới giữa Israel và Sharm el Sheikh, và các nhà đầu tư của UAE trong tuần này cho biết họ sẽ đầu tư vào các ngân hàng Ai Cập.
Truyền thông Israel cũng đưa tin rằng chuyến thăm của ông Bennett lần này là lần đầu tiên một thủ tướng Israel ở lại qua đêm ở Ai Cập trong hai thập kỷ.