Ông Tom Koopman - Phó chủ tịch hệ thống hải quân của Tập đoàn Lockheed Martin mới đây thông báo họ sẽ chi khoảng 100 triệu USD cho việc nghiên cứu tích hợp tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE của tổ hợp phòng không Patriot vào khu trục hạm Aegis.
Sắp tới sẽ diễn ra nhiều cuộc thử nghiệm nhằm đánh giá tính khả thi đối với việc tích hợp phiên bản mới nhất của tên lửa đánh chặn Patriot vào hệ thống chiến đấu Aegis trên các khu trục hạm cũng như tuần dương hạm của Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên dự kiến trong giai đoạn đầu, những vụ phóng thử sẽ không được tiến hành từ tàu chiến mà được thực hiện từ hệ thống phóng thẳng đứng trên mặt đất, có thể là tổ hợp Aegis Ashore.
Ông Koopman nhắc nhở hiện nay Hải quân Mỹ đã để lộ những “khoảng hở” trong việc chống lại “các mối đe dọa tiên tiến trên biển”, trong khi Patriot là “vũ khí chứng minh được tính hiệu quả trong thực chiến trước nhiều phương tiện tấn công hiện đại, đặc biệt là vũ khí siêu thanh”.
Chưa dừng lại đây, ông Shiryn Melvin - Giám đốc quản lý hệ thống chiến đấu tổng hợp của Lockheed Martin cho rằng những khả năng của tên lửa PAC-3 MSE "chắc chắn sẽ là sự bổ sung đáng giá cho những gì Hải quân Mỹ đang thiếu ngày nay".
Cần nhắc lại vào mùa hè năm 2023, Tập đoàn Lockheed Martin đã chứng minh rằng họ có thể tích hợp tên lửa PAC-3 MSE với radar Aegis AN/SPY-1 - "trái tim" của hệ thống tác chiến Aegis.
Lockheed Martin cho biết họ sẽ sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng trên mặt đất trong các bài kiểm tra bắn đạn thật trong tương lai với mục tiêu chính là trình diễn việc tích hợp tên lửa PAC-3 MSE với radar của tổ hợp Aegis.
Nếu những lần bắn đạn thật sắp tới thành công, Lockheed Martin hy vọng rằng Hải quân Mỹ hoặc Lầu Năm Góc sẽ tài trợ tiến hành những cuộc thử nghiệm tiếp theo. Ông Koopman lưu ý rằng chương trình này vẫn chưa nhận được ngân sách từ chính phủ.
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ hiện chỉ phân bổ khoản tài trợ hạn chế cho Lockheed Martin như một phần của dự án tích hợp tên lửa PAC-3 MSE vào hệ thống Aegis Ashore (Aegis trên cạn), bao gồm radar AN/SPY-1 và bệ phóng thẳng đứng Mk 41.
Bên cạnh đó, Lockheed Martin đã lên kế hoạch tăng cường sản xuất tên lửa PAC-3 MSE do nhu cầu trên thế giới tăng mạnh, đồng thời Lầu Năm Góc cũng cần bổ sung số đạn đánh chặn đã được gửi đến Ukraine - nơi hệ thống phòng không này đang hoạt động rất hiệu quả.
Theo Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, Patriot đã nhiều lần chứng minh rằng nó có thể bắn hạ vũ khí siêu thanh Nga, cụ thể là tên lửa Kh-47M2 Kinzhal.
Bên cạnh đó còn có thông tin cho biết tên lửa phòng không của Lockheed Martin đã bắn hạ hàng loạt máy bay Nga, điển hình như lần tiêu diệt cùng lúc 3 chiếc Su-34 hay chiến công mới nhất chính là hạ gục máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không A-50 AWACS.
Trước đó Lockheed Martin cho biết họ chỉ sản xuất được tối đa 450 tên lửa PAC-3 MSE mỗi năm (tương đương 38 đạn mỗi tháng), con số này rõ ràng chưa đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.
Do vậy Lockheed Martin thông báo tới năm 2026, họ sẽ tăng sản lượng hàng năm thêm 100 tên lửa, tức là đạt tới con số 550 quả (tối đa 46 quả mỗi tháng), tương đương mức tăng trưởng 20% trong liên tục 3 năm.
Các quốc gia NATO trong khuôn khổ Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu cũng đã lên kế hoạch mua 1.000 tên lửa cho tổ hợp phòng không Patriot thuộc phiên bản PAC-2 GEM-T, chuyên đánh chặn mục tiêu khí động học như máy bay, tên lửa hành trình ở cự ly tối đa 160 km.