Mỹ đẩy nhanh tốc độ phát triển các vũ khí siêu thanh để đối phó Nga, Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng họ ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển vũ khí siêu thanh để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 28/2, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Bảy (27/2) cho biết rằng họ đã ưu tiên phát triển vũ khí siêu thanh để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này. Bộ Tư lệnh Trang bị Không quân Mỹ vào tuần tới sẽ thử nghiệm động cơ cho tên lửa siêu thanh AGM-183A đầu tiên và chuẩn bị sản xuất nó trong vòng một năm.
Mike White, Giám đốc Văn phòng Chương trình Vũ khí Siêu thanh của Bộ Quốc phòng, đã tham dự cuộc hội thảo trực tuyến về Aerospace Warfare Symposium (Chiến tranh không gian) do Hiệp hội Không quân Mỹ tổ chức, và phát biểu chỉ ra rằng nội dung chiến lược bao gồm tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven biển và trên đất liền có tính chiến thuật quan trọng trên chiến trường và phát triển vũ khí tấn công thông thường siêu thanh phóng từ trên không, đất liền và trên biển; phát triển khả năng tên lửa tấn công siêu thanh chiến thuật để tiêu diệt kẻ thù ở các cấp độ khác nhau và sử dụng các hệ thống siêu thanh có thể tái sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát và tấn công.
Ông Mike White dự đoán rằng vào đầu và giữa những năm 2020 Mỹ sẽ chuyển giao cho các binh sĩ tác chiến hệ thống tấn công và phòng thủ siêu thanh đa tầng. Mục tiêu là cung cấp các hệ thống siêu thanh có thể sử dụng vào giữa những năm 2030.
Máy bay B-52H mang mô hình tên lửa siêu thanh AGM-183A (Ảnh: 163.com)
Chuẩn tướng Heath A. Collins thuộc Air Force Life Cycle Management Center (Trung tâm Quản lý Vòng đời Lực lượng Không quân) thuộc Bộ Tư lệnh Trang bị Không quân Hoa Kỳ cho biết tổ chức của ông đang có kế hoạch phát triển một mẫu thử nghiệm nhanh của loại vũ khí phản ứng nhanh phóng trên không AGM-183A, thúc đẩy nghiên cứu phát triển của vũ khí siêu thanh kiểu tàu lượn và cuộc thử nghiệm động cơ đầu tiên sẽ được tiến hành vào tuần tới. Ông nói: "Kế hoạch của chúng tôi đồng thời chuyển sang sản xuất trong vòng một năm, vì vậy đây sẽ trở thành vũ khí siêu thanh phóng từ trên không đầu tiên của Không quân."
Nhà khoa học cấp cao James Weber của Phòng nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ cho biết Bộ Quốc phòng trong 25 năm qua đã đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD vào việc phát triển vũ khí siêu thanh.
Sau khi bước vào thế kỷ mới, với việc các nước xây dựng các hệ thống phòng thủ quốc gia, tên lửa siêu thanh đã trở thành lĩnh vực hàng đầu quan trọng của cuộc cạnh tranh công nghệ cao. Trong những năm gần đây, việc Nga liên tiếp đưa tên lửa siêu thanh Kinzhal vào trang bị dường như đã kích thích Mỹ, quốc gia đầu tiên nghiên cứu tên lửa siêu thanh, nên họ bắt đầu cao giọng tuyên truyền về tính năng mạnh mẽ của tên lửa siêu thanh của họ.
Giá treo hình trụ dưới cánh B-52H mang tên lửa AGM-183A (Ảnh: 163.com).
Gần đây truyền thông Mỹ đã tiết lộ tính năng của loại tên lửa siêu thanh phóng từ trên không do Không quân Mỹ đang phát triển, tuyên bố rằng tên lửa này có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 2.400 km chỉ trong vòng 10 phút. Tên lửa siêu thanh AGM-183A sẽ được máy bay ném bom chiến lược B-52H của Không quân Mỹ mang theo. Nó được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí siêu thanh đầu tiên của quân đội Mỹ có thể được sử dụng trong chiến đấu thực tế.
Theo chuyên trang War zone của trang web The Drive của Mỹ, các quan chức Không quân của nước này tuyên bố rằng tên lửa siêu thanh phản ứng nhanh AGM-183A sắp đưa ra của Mỹ có tốc độ bay trung bình lên đến Mach 8 mỗi giờ. Cốt lõi của AGM-183A là một phương tiện bay lướt siêu thanh không động lực, nhưng nó hoàn toàn bao bọc tên lửa bên trong một lớp vỏ có hình dạng giống mũi tên, cho đến khi lực đẩy của thiết bị hỗ trợ đẩy nó lên tới tốc độ và độ cao thích hợp nó mới lộ nguyên hình.
Với tốc độ này, tên lửa này có thể tấn công mục tiêu cách xa 1.600 km chỉ trong 10 đến 12 phút. Để đạt được tốc độ siêu thanh, tên lửa AGM-183A bao gồm một tên lửa đẩy nhiên liệu rắn có đuôi và một tàu lượn tăng cường không động lực. Khi tên lửa đẩy bay đến một tốc độ và độ cao nhất định, tàu lượn hình cái chêm (Wedge) sẽ tiếp tục bay tới mục tiêu với tốc độ siêu thanh.
Tên lửa AGM-183A được phóng từ B-52H (Ảnh: 163.com).
Máy bay B-52H mang vũ khí tên lửa siêu thanh này dưới một giá treo hình trụ dưới cánh. Chiều dài tổng thể của vũ khí dường như cho thấy máy bay ném bom có thể mang hai AGM-183A dưới mỗi cánh. Để phù hợp với phương pháp mang này, trước khi khởi động động cơ chính của tên lửa siêu thanh, trước tiên vũ khí phải được ném ra khỏi giá hình trụ của máy bay ném bom giống như một quả bom thông thường và rơi tự do sau một thời gian cho đến khi động cơ được khởi động.
Theo tin trên trang web Breakingdefense ngày 25/2, Tướng Timothy Ray, người đứng đầu Air Force Global Strike Command (Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu) của Mỹ cho biết, một loại tên lửa hành trình siêu thanh mới đang được phát triển cho máy bay ném bom B-52 là tên lửa hành trình tấn công siêu thanh (HACM).
Ông Timothy nói với các phóng viên bên lề cuộc hội nghị mùa đông thường niên của Hiệp hội Không quân Hoa Kỳ: “Chúng ta đang tiến hành phát triển HACM. Tôi không thể cho các bạn biết thời gian cụ thể bây giờ. Nhưng khi Không quân Hoa Kỳ xem xét ...chúng ta sẽ tiếp tục đi theo con đường này. Tôi tin rằng HACM sẽ cung cấp cho chúng ta một khả năng không ngờ: thích hợp cho cả máy bay ném bom và cả máy bay chiến đấu. Vì vậy, tôi cho rằng đây là một khả năng rất đặc biệt”.
Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Sina).
Tên lửa hành trình siêu thanh HACM, theo báo cáo của Rachel Cohen, được trang bị một siêu động cơ, có thể là thành quả của dự án của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ.
Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu cũng đã có kế hoạch trang bị cho máy bay ném bom B-52 vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW). ARRW là tên lửa hành trình trượt siêu thanh do Lockheed Martin phát triển. Vào tháng 9/2020, Timothy tuyên bố rằng ông hy vọng rằng ARRW sẽ được “nhanh chóng” triển khai, một phần để tăng cường khả năng chiến đấu ở các khu vực xa xôi như Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Ông cho biết hôm 25/2: “Như các bạn đã biết, chúng tôi đã sử dụng ARRW cho một số chuyến bay thử nghiệm và chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hơn nữa vào cuối năm nay. Tôi hài lòng với tiến độ của dự án”.
Đồng thời, dự án sửa đổi và nâng cấp máy bay ném bom B-52 đang ngày càng tiến gần hơn đến việc lựa chọn bên chiến thắng trong một kế hoạch mang tính cạnh tranh cao nhằm thiết kế lại loại máy bay ném bom B-52 đã già cỗi. Timothy tiết lộ: "Chúng tôi sẽ có thể nhận được câu trả lời từ các đối thủ cạnh tranh vào mùa hè này và chọn người chiến thắng, để dự án bắt đầu”. Ông nói thêm rằng dự án thực sự đã hoàn thành trước thời hạn, một phần vì nó sử dụng công nghệ kỹ thuật số sinh đôi.
Tên lửa AGM-183 khi đang trở thành tàu lượn ở giai đoạn cuối (Ảnh: 163.com)
Máy bay ném bom B-52 đã 68 năm tuổi sau khi được nâng cấp vẫn là cốt cán của phi đội máy bay ném bom Mỹ, khiến việc nó tiếp tục hoạt động trở thành một ưu tiên chiến lược. Không quân Mỹ vào tháng 5 đã đưa ra yêu cầu đề án (RFP) về chương trình thay thế động cơ máy bay ném bom B-52 (CERP), với kế hoạch mua 608 động cơ, các phụ tùng và dịch vụ mới. Kế hoạch dịch vụ này cho phép các máy bay ném bom B-52 bay lần đầu tiên vào năm 1952 có thể hoạt động cho đến năm 2050. Không quân Mỹ hy vọng sẽ giảm tỷ lệ tiêu thụ nhiên liệu, giảm thời gian bảo dưỡng, giảm chi phí của phi đội máy bay ném bom bằng cách sử dụng các động cơ thương mại hiện đại.
Hiện tại, 76 máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ đang sử dụng động cơ TF33 của hãng Pratt & Whitney, công ty này hiện cũng đang đề xuất cung cấp động cơ thương mại PW800 mới nhất của họ. Các đối thủ cạnh tranh bao gồm động cơ CF34-10 và Passport của GE và động cơ F130 của Rolls Royce.
Timothy nói rằng mục tiêu chung của phi đội máy bay ném bom vẫn là "trên 225 chiếc". Ông nói, Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu “vừa hoàn thành cuộc thảo luận với Ủy ban Quân lực Thượng viện” về lộ trình để đáp ứng yêu cầu của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2021. Ông nói: “Tình hình rất, rất tốt”.