Mỹ đe dọa tấn công, Iran rời xa cam kết hạt nhân
Iran tiếp tục có động thái rời xa các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, trong khi Mỹ gửi thông điệp tới Iran cảnh báo về một cuộc tấn công có giới hạn nhằm vào nước này.
Hôm qua Iran nói họ sẽ tiếp tục thu hẹp các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015 với các cường quốc, nâng mức độ làm giàu uranium vượt qua mức đã được các bên đồng ý để sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện.
Thông báo này là chỉ dấu thách thức đối với các biện pháp trừng phạt đang được Mỹ leo thang áp dụng đối với Tehran.
Tại một cuộc họp báo, các quan chức cấp cao Iran nói Tehran sẽ tiếp tục giảm mức độ cam kết của họ cứ 60 ngày/lần, cho đến khi các bên tham gia ký thỏa thuận có động thái bảo vệ nước này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, một bên tham gia ký thỏa ước hạt nhân với Iran nhưng đã rút lui vào năm 2018 và tái áp dụng các biện pháp cấm vận Iran.
Mặc dù vậy, Tehran nói vẫn để ngỏ khả năng đàm phán ngoại giao. Theo Reuters, trước khi thỏa thuận ra đời, Iran sản xuất 20% số uranium làm giàu cần thiết để cung cấp làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân và mức độ làm giàu của uranium tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr của họ là 5%.
“Chúng tôi sẽ làm giàu uranium dựa trên nhu cầu… ngay lúc này chúng tôi chưa cần phải làm giàu uranium cần thiết cho lò phản ứng Tehran”, Behrouz Kamalvandi, người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran được Reuters dẫn lời. “Chúng tôi sẽ làm giàu uranium tới mức cần thiết để sử dụng cho lò phản ứng Bushehr”.
Trong một động thái cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng từ châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đồng ý tìm kiếm các điều kiện để nối lại đối thoại về vấn đề hạt nhân của Iran từ nay cho đến ngày 15/7.
Văn phòng của ông Macron nói thêm rằng ông sẽ tiếp tục trao đổi với giới chức Iran và các bên liên quan nhằm “giải tỏa căng thẳng liên quan đến vấn đề Iran”.
Theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, Iran có thể làm giàu uranium ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 20% mà Iran có thể đạt được trước khi thỏa thuận được ký và ở mức này gần như đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Mỹ cảnh báo tấn công “có giới hạn”
Mỹ đã gửi thông điệp tới Iran cảnh báo về một cuộc tấn công có giới hạn nhằm vào nước này, hãng tin Fars của Iran dẫn lời quan chức quốc phòng trong nước nói hôm qua.
“Sau khi (Iran) bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập, Mỹ nói với chúng tôi thông qua một số kênh ngoại giao trung gian rằng họ muốn thực hiện một chiến dịch có giới hạn”, Gholamreza Jalali, một tư lệnh của lực lượng Vệ binh cách mạng Iran nói. “Nhưng phản ứng của Iran là chúng tôi coi mọi chiến dịch (quân sự) của Mỹ là khởi đầu của một cuộc chiến tranh”.
Trong ngày hôm qua, bộ trưởng Năng lượng Israel cho rằng mức độ gia tăng làm giàu uranium theo tuyên bố của Iran là vừa phải nhưng ông này cáo buộc Tehran phá vỡ các giới hạn đã được quốc tế thông qua, là một bước tiến tới sản xuất vũ khí hạt nhân.
“Iran đã bắt đầu, cho dù là mức tăng vừa phải, nhưng họ đã bắt đầu tăng, để phá vỡ các giới hạn về làm giàu uranium mà chúng ta đã áp dụng cho họ”, bộ trưởng Yuval Steinitz, nói với đài Ynet TV của Israel. Điều đó có nghĩa là… xóa bỏ lằn ranh đỏ mà chúng ta đã đồng ý, và họ đã bắt đầu lộ trình, một lộ trình không đơn giản, tiến tới (sản xuất) vũ khí hạt nhân”.
Trong khi đó, thứ trưởng ngoại giao Iran hôm qua nói nước ông vẫn coi thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc là “văn kiện có hiệu lực” và tìm kiếm các biện pháp để tiếp tục thực hiện.
Thứ trưởng Abbas Araghchi nói nước ông sẵn sàng đàm phán với châu Âu (nơi có các nước tham gia ký thỏa thuận (Nga, Pháp, Anh, Đức, hai nước còn lại là Trung Quốc và Mỹ. Washington rút lui năm 2018, sau quyết định của Tổng thống Donald Trump).
Ông Araghchi nói nếu muốn, Mỹ có thể tham gia các cuộc đối thoại này, theo tin của AP.
Trong vài tuần gần đây, Iran liên tục cảnh báo châu Âu rằng họ sẽ dần rời xa các điều khoản của thỏa thuận mà nguyên nhân là các chiến dịch phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. Trong một động thái chưa từng có, chính quyền của Tổng thống Trump còn ban hành các lệnh trừng phạt nhằm vào các lãnh đạo cấp cao nhất của Iran, trong đó có cả lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei.