Mỹ đề nghị nói chuyện với bà Suu Kyi, quân đội Myanmar thẳng thừng từ chối
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, quân đội Myanmar đã từ chối yêu cầu của Washington để nói chuyện với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
"Ngay sau sự kiện ngày 1/2, chúng tôi đã nỗ lực liên hệ với bà Aung San Suu Kyi. chúng tôi đã làm điều đó cả chính thức và không chính thức. Nhưng những yêu cầu đó đã bị từ chối", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết tại buổi họp báo hôm 9/2.
Cũng tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về hạn chế tụ tập sau các cuộc biểu tình đông người ở Myanmar, cam kết sát cánh cùng người dân Myanmar.
"Chúng tôi sát cánh với người dân Myanmar, ủng hộ quyền tập hợp hòa bình của họ, bao gồm cả biểu tình một cách hòa bình để ủng hộ chính phủ được bầu cử dân chủ. Chúng tôi rất lo ngại trước tuyên bố gần đây của quân đội Myanmar về hạn chế các cuộc tụ tập công khai", ông Ned Price nói.
Theo người phát ngôn Ned Price, Mỹ đang nỗ lực hạn chế một số viện trợ cho Myanmar sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này.
Tuần trước, quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm sau khi cáo buộc đảng của bà Aung San Suu Kyi gian lận bầu cử. Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Biden đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt Myanmar nếu quân đội nước này không từ bỏ quyền lực.
Cuộc khủng hoảng ở Myanmar được xem là bài kiểm tra lớn đầu tiên đối với cam kết của chính quyền Biden về vấn đề nhân quyền, trong chính sách đối ngoại của Mỹ và hợp tác nhiều hơn với các đồng minh đối phó các thách thức quốc tế.
Trong cuộc đảo chính hôm 1/2, Cố vấn nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền bị quân đội bắt giữ. Những người này bị bắt với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Hôm 9/2, Thống tướng Aung Hlaing cam kết trao trả quyền lực sau bầu cử, đồng thời kêu gọi công chúng ưu tiên sự thật thay vì hành động theo cảm tính. Giới lãnh đạo quân đội Myanmar ban lệnh thiết quân luật tại hai thành phố lớn nhất đất nước là Yanhon và Mandalay, cấm người dân biểu tình hoặc tụ tập quá đông người.