Mỹ di tản nhân viên ngoại giao ở Ukraine sang Ba Lan
Mỹ tiếp tục di tản nhân viên đại sứ quán ở Ukraine và đưa họ qua biên giới Ba Lan vì lo ngại Nga sẽ mở cuộc tấn công nhằm vào Kiev.
“Hôm nay, Bộ Ngoại giao một lần nữa phải hành động vì sự an toàn của công dân Mỹ, bao gồm cả các nhân viên của chúng tôi”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một tuyên bố đưa ra ngày 21/2.
Ông Blinken thông báo rằng các nhân viên ngoại giao Mỹ được di tản từ Kiev đến Lviv tuần trước sẽ tiếp tục chuyển đến Ba Lan.
“Các đồng nghiệp của chúng tôi sẽ tạm thời chuyển đến Ba Lan. Nhưng họ sẽ thường xuyên trở lại để tiếp tục công việc ngoại giao ở Ukraine và cung cấp các dịch vụ lãnh sự khẩn cấp", ông Blinken tuyên bố.
Ông Blinken gọi động thái này là “một biện pháp phòng ngừa thận trọng”, đồng thời nhấn mạnh “Washington sẽ không bỏ rơi chính quyền Kiev”.
“Việc chúng tôi thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho nhân viên và công dân Mỹ không hề làm suy yếu sự ủng hộ hoặc cam kết của chúng tôi đối với Ukraine”, Ngoại trưởng Blinken nói.
Động thái mới nhất diễn ra một tuần sau khi Washington quyết định chuyển các hoạt động của đại sứ quán từ thủ đô Kiev của Ukraine đến Lviv, với lí do lo ngại Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine. Cáo buộc này nhiều lần bị Nga bác bỏ. Lviv nằm ở phía Tây Ukraine, cách xa biên giới với Nga và Belarus.
Hồi đầu tháng, các quan chức Mỹ hối thúc công dân Mỹ ở Ukraine rời khỏi nước này, nói rằng họ sẽ được phép vào Ba Lan bằng đường bộ mà không cần sự chấp thuận trước của Warszawa.
Quyết định di tản nhân viên ngoại giao sang Ba Lan của Mỹ được tiến hành đúng thời điểm Nga tuyên bố công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) - hai nước ly khai tự xưng ở miền Đông Ukraine.
Động thái này của Nga vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Ukraine, từ các nước phương Tây và Liên Hợp Quốc. Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga phá hoại các nỗ lực hòa bình, xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine và khẳng định sẽ không nhượng bộ.