Mỹ điều các hệ thống phòng không tầm ngắn đầu tiên đến châu Âu
Bộ Tư lệnh Quân đội Tương lai của Mỹ ngày 23/4 tuyên bố đơn vị đầu tiên tại châu Âu đã nhận được các hệ thống phòng không tầm ngắn linh hoạt (M-SHORAD).
Trang Defense News dẫn thông báo của bộ trên cho hay Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Pháo Phòng không 4, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không-Tên lửa Lục quân 10, ở Ansbach, Đức, là đơn vị đầu tiên tiếp nhận các phương tiện phóng và sẽ tiếp tục chạy thử nghiệm hệ thống M-SHORAD.
M-SHORAD là một hệ thống phòng không dựa trên nền tảng phương tiện chiến đấu Stryker A1 do nhà thầu quân sự Leonard DRS thiết kế. Hệ thống này còn bao gồm cả bệ phóng tên lửa phương tiện Stinger của tập đoàn Raytheon. General Dynamics Land Systems là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất chính và đã nhận được hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD để chuyển giao hệ thống này vào tháng 10/2020.
Hệ thống này được phát triển trong thời gian nhanh kỷ lục. Chỉ mất 19 tháng kể từ khi bộ trên đưa ra yêu cầu cho đến khi General Dynamics Land Systems bàn giao nền tảng đầu tiên để thử nghiệm. M-SHORAD được xây dựng nhằm giải quyết với nhu cầu khẩn cấp của các lực lượng Mỹ tại châu Âu để lấp đầy khoảng trống về tiềm lực phòng không tầm ngắn.
Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Ben Hodges, nói với Defense News trong một cuộc phỏng vấn rằng mối lo lớn nhất của ông là chống lại các thiết bị bay không người lái và Quân đội Mỹ cần nhanh chóng có được khả năng có thể xử lý vấn đề này, đặc biệt là các thiết bị bay hoạt động theo “bầy đàn”.
Các tính năng của M-SHORAD được thiết kế để chống lại các thiết bị bay không người lái cũng như các mối đe dọa từ máy bay cánh quay hoặc cánh cố định.
Sau cuộc thử nghiệm trên bãi thử tên lửa White Sands ở New Mexico, Quân đội Mỹ đã chọn phương tiện chiến đấu Stryker làm hệ thống chủ lực cùng với gói thiết bị tác vụ của Leonardo DRS.
Lục quân Mỹ sẽ trang bị 144 hệ thống M-SHORAD cho 4 tiểu đoàn từ năm nay.
Các biến thể trong tương lai của hệ thống này sẽ bao gồm các tên lửa đánh chặn khác cùng với một cải tiến về mặt năng lượng để giúp nó không chỉ chống lại thiết bị bay không người lái và máy bay có người lái mà còn cả tên lửa, pháo và súng cối.
Lục quân Mỹ đã trao một hợp đồng cho Northrop Grumman và Raytheon để chế tạo vũ khí laser loại 50 kilowatt cho các phương tiện chiến đấu Stryker phục vụ SHORAD. Một trong những hệ thống vũ khí laser này có thể được tích hợp cho một trung đội gồm 4 xe Stryker vào tài khóa 2022.