Mỹ điều tàu sân bay hỗ trợ tàu dầu Israel bị tấn công ở vịnh Oman
Mỹ đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan và khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Mitscher đến hộ tống tàu chở dầu Mercer Street đến nơi an toàn sau khi nó bị tấn công hôm 29-7.
Lực lượng Hải quân Mỹ hôm 31-7 cho biết đang tiến hành hỗ trợ điều tra vụ tàu chở dầu Mercer Street do công ty của một tỉ phú người Israel quản lý bị tấn công ngoài khơi vịnh Oman (biển Ả Rập) vào ngày 29-7, đài CNN đưa tin.
Theo Hải quân Mỹ, tàu Mercer Street bị tấn công vào khoảng 3 giờ 40 phút (giờ địa phương) ở ngoài khơi bờ biển Oman khiến con tàu bị hư hại nặng nề, trong khi thuyền trưởng người Romania và một nhân viên an ninh người Anh thiệt mạng.
"Các chuyên gia về chất nổ của Hải quân Mỹ đang có mặt trên con tàu để đảm bảo sự an toàn cho thủy thủ đoàn, sẵn sàng hỗ trợ điều tra. Họ cũng đã tìm thấy bằng chứng trực quan rõ ràng cho thấy một cuộc tấn công có chủ đích đã thực sự xảy ra trên con tàu" - Hải quân Mỹ đưa ra thông báo.
Hải quân Mỹ nhận định vụ tấn công do một đội máy bay không người lái (UAV) thực hiện, song không cung cấp thêm bất kỳ thông tin cụ thể nào.
Mỹ sau đó đã điều hai tàu chiến của nước này là tàu sân bay USS Ronald Reagan và khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Mitscher đến để hộ tống Mercer Street đến một cảng an toàn.
Tàu chở dầu Mercer Street do Công ty Zodiac Maritime (có trụ sở ở Anh và thuộc sở hữu của tỉ phú người Israel Eyal Ofer) quản lý. Theo dữ liệu hàng hải, con tàu đang hướng đến cảng Fujairah ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khi xuất phát từ Dar es Salaam ở Tanzania thì vụ việc xảy ra.
Truyền hình Israel dẫn các báo cáo ban đầu cho thấy, con tàu bị tấn công hai lần và thời gian cách nhau vài giờ đồng hồ. Lần thứ nhất con tàu bị hư hại, lần thứ hai đã gây thương vong cho thủy thủ. Tuy nhiên, con tàu sau đó đã được các thủy thủ kiểm soát và được Hải quân Mỹ hộ tống đến nơi an toàn.
Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ tấn công này nhưng giới chức các nước phương Tây đang đổ lỗi cho Iran, vốn có lịch sử tấn công các tàu liên quan đến Israel trong vùng Vịnh.
Chính quyền Israel đã cáo buộc Iran có liên quan tới vụ việc. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh sau đó, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã yêu cầu một hành động đáp trả cứng rắn.
Theo Ngoại trưởng Israel, Tehran không còn chỉ là vấn đề của Tel Aviv vì ông cho rằng Iran đang làm mất quyền tự do hàng hải trong khu vực và là một quốc gia khủng bố gây nguy hiểm cho thế giới. Ông cũng kêu gọi thế giới không nên giữ im lặng trước vụ việc này.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz và Tham mưu trưởng nước này đã tiến hành một cuộc họp khẩn để đánh giá về vụ việc và tìm biện pháp đáp trả cần thiết.
Phía Iran hiện chưa đưa ra bất kỳ phản hồi chính thức nào, tuy nhiên có thông tin cho rằng, vụ tấn công tàu Israel có thể là hành động đáp trả vụ không kích mới đây của Israel nhằm vào sân bay Dabaa tại Syria, nơi Iran đang có các cố vấn chuyên gia quân sự.
Thời gian gần đây, các tàu chở hàng của Israel và Iran đã trở thành là mục tiêu của các vụ tấn công, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước không ngừng leo thang trên nhiều mặt trận, từ vấn đề hạt nhân, tên lửa, cho đến những ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Hai nước đã đổ lỗi cho các sự cố khác nhau, trong khi phủ nhận mọi trách nhiệm về các vụ tấn công. Tuy nhiên, không có cuộc tấn công nào trước đó dẫn đến thương vong về người, thiệt hại do các con tàu gây ra cũng không đáng kể và có thể tiếp tục hoạt động trở lại sau khi được sửa chữa.