Mỹ điều tra thêm cáo buộc Huawei ăn cắp công nghệ
'Vận đen' vẫn đeo bám Huawei khi hãng này tiếp tục bị các công tố viên Mỹ điều tra thêm các cáo buộc mới về ăn cắp công nghệ.
Tờ Wall Street Journal hôm 29-8 dẫn các nguồn tin độc quyền cho biết các hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei đang bị các công tố viên Mỹ điều tra về cáo buộc ăn cắp công nghệ từ nhiều công ty và nhiều người trong nhiều năm cũng như cách mà hãng này tuyển dụng nhân sự từ các đối thủ cạnh tranh.
Trong một diễn biến khác, hôm 29-8, các lãnh đạo của Huawei cho biết hãng này sẽ ra mắt mẫu điện thoại Huawei Mate 30 tại một sự kiện ở Munich, Đức vào ngày 18-9 tới dù nó có thể không được phép sử dụng hệ điều hành Android chính thức của Google cũng như các ứng dụng thông dụng của Google như Google Maps, Google Search, Gmail. Người phát ngôn của Google cho biết Mate 30 không thể bán ra thị trường với các ứng dụng của Google đã được cài đặt sẵn. Mate 30 được sản xuất để chạy với mạng 5G và đây là dòng điện thoại cao cấp đầu tiên của Huawei được sản xuất sau khi Huawei bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận hồi tháng 5.
Cuộc điều tra mới càng gia tăng thêm áp lực cho Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đồng thời là nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ hai thế giới, vốn đang chịu các đòn trừng phạt của Mỹ trong những tháng gần đây, bao gồm bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, khiến Huawei không thể mua linh kiện và công nghệ từ các nhà cung cấp Mỹ.
Hồi đầu năm, các công tố viên ở TP. Seattle (Mỹ) đã truy tố Huawei với cáo buộc ăn cắp công nghệ thử nghiệm chức năng của smartphone từ đối tác T-Mobile US (Mỹ) trong giai đoạn 2012-2013. Cáo trạng truy tố cũng cáo buộc Huawei phát động chương trình thưởng cho các nhân viên ăn cắp thông tin bí mật từ các đối thủ. Trong đơn yêu cầu bác bỏ vụ kiện, Huawei gọi các cáo buộc này “mang động cơ chính trị”.
Các cáo buộc mới nhằm vào Huawei bao gồm ăn cắp công nghệ camera của smartphone từ Rui Oliveira, một nhà sản xuất đa phương tiện ở Bồ Đào Nha. Sau khi bị ông Oliveira tố cáo ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ trong các bản quyền sáng chế đã được đăng ký tại Mỹ, Huawei đã kiện ngược lại Oliveira vào hồi tháng 3-2019 và khẳng định không vi phạm các bản quyền sáng chế của Oliveira.
Các nguồn tin cho biết các nhân viên của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các công tố viên từ tòa án liên bang phụ trách khu vực phía đông New York đã gặp Oliveira vào hồi đầu tháng 6. Họ đã chất vấn Oliveira về những lãnh đạo Huawei đã tham dự các cuộc gặp với Oliveira hồi năm 2014 khi ông đề xuất trao cho Huawei quyền sản xuất công nghệ camera của smartphone từ các sáng chế của ông.
Họ cũng thẩm vấn Robert Read, một cựu kỹ sư làm việc cho Huawei tại Thụy Điển trong giai đoạn 2002-2003. Hồi tháng 5, tờ Wall Street Journal cho biết Read đã giúp Huawei tuyển dụng các nhân viên bị sa thải khỏi các văn phòng của hãng thiết bị viễn thông Thụy Điển Ericsson trong những năm này. Read đã khai rằng Huawei cất giữ các thiết bị viễn thông của nước ngoài tại một tầng hầm an toàn ở văn phòng tại Thụy Sĩ và tại đó, các kỹ sư của Huawei phân rã chúng ra để tìm hiểu.
Lâu nay, Huawei liên tục khẳng định hãng này tôn trọng quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Tại một cuộc họp báo hồi tháng 6, Song Liuping, Giám đốc pháp lý của Huawei, nhấn mạnh rằng Huawei chưa bao giờ bị một tòa án nào kết tội hành xử cố tình gây tổn hại trong bất cứ vụ án nào liên quan đến các cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại.
Trong hồ sơ nộp cho tòa án liên bang ở Seattle hồi tuần trước, các công tố viên tiết lộ thêm chi tiết về chương trình thưởng của Huawei dành cho nhân viên “có công” ăn cắp thông tin mật của các công ty đối thủ. Theo các công tố viên, Huawei đã thiết lập một địa chỉ email nội bộ được mã hóa để giúp các nhân viên chuyển các thông tin đặc biệt nhạy cảm. Họ cho biết Huawei yêu cầu các nhân viên phải có trách nhiệm thu thập thông tin từ đối thủ cạnh tranh. Chỉ thị này được gửi đến các nhân viên của Huawei tại Mỹ trong một email có tiêu đề: “Attention to get Rewards!” (Chú ý để nhận thưởng).
Lúc đó, một lãnh đạo nhân sự của Huawei tại Mỹ đã viết email gửi cho các nhân viên cảnh báo chương trình thưởng cho nhân viên thu thập thông tin bí mật của đối thủ có thể là điều bình thường ở một số nước và khu vực nhưng bị cấm theo luật doanh nghiệp Mỹ.
Theo Wall Street Journal, SCMP
Lê Linh