Mỹ Đình: Sân bóng hay 'hiểm địa'?

Trước khi chờ 'gói giải cứu' trị giá 8 tỷ đồng, mặt sân Mỹ Đình xuống cấp thấy rõ. Vô hình trung, đây trở thành 'hiểm địa' có thể dẫn đến chấn thương từ nặng đến rất nặng với các cầu thủ.

Biết rồi, khổ lắm nhưng phải nói!

Chuyện sân Mỹ Đình xuống cấp về mặt cỏ đã được phản ánh liên tục từ cuối tháng 11/2024. Thời điểm đó, vì tổ chức 2 đêm diễn ca nhạc dẫn tới không kịp tiến độ tu sửa mặt cỏ, sân Mỹ Đình đã không thể tổ chức các trận đấu của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2024. Kể từ thời điểm đó đến nay, mặt cỏ của Mỹ Đình ngày một xuống cấp. Từ chỗ in hằn những ô vuông do các tấm nhựa, cao su đè lên phục vụ công tác biểu diễn, mặt sân loang lổ giữa cỏ úa, cỏ sống. Thậm chí nhiều khu vực trên sân còn trơ trọi chỉ còn đất, cát và bùn.

Trước tình hình ấy, VFF quyết định đưa ĐT Việt Nam vào Bình Dương khi thi đấu vòng loại thứ 3 Asian Cup 2027. Trong giai đoạn tập huấn ở Hà Nội, U17 và U22 Việt Nam cũng không thuê sân Mỹ Đình 1 lần nào để phục vụ công tác thi đấu nội bộ. Bản thân VPF cũng phải đến kiểm tra mặt cỏ sân Mỹ Đình gần đây. Ngay cả khi cho phép sân vận động này tiếp tục tổ chức các trận đấu tại giải chuyên nghiệp quốc gia đối với CLB Thể Công Viettel, VPF và BTC giải cũng phải thừa nhận mặt sân rơi vào tình trạng phải vá víu, trám thêm cỏ ở một số khu vực.

Cay đắng thay, chính bởi chất lượng quá tệ của sân Mỹ Đình, 3 cầu thủ trẻ rơi vào tình trạng chấn thương từ nhẹ, nặng đến rất nặng. Ở trận đấu giữa Thể Công Viettel và HAGL trong khuôn khổ Cúp Quốc gia, hôm 30/3, Võ Đình Lâm và Phạm Lý Đức của đội bóng phố Núi đều chấn thương.

“Cả hai bị đau do mặt sân xấu. Đình Lâm bị đau nhẹ nhưng với Đức, tôi được các bác sĩ báo cáo là tổn thương nặng ở đầu gối trái. Cậu ấy chỉ tắc bóng bình thường thôi nhưng việc va chạm mạnh xuống mặt sân kém đã khiến cậu ấy tổn thương nặng”, HLV Lê Quang Trãi nói.

“Mặt sân Mỹ Đình xấu quá. Nên khi Phạm Lý Đức tắc bóng để ngăn cản một pha đi bóng của cầu thủ Thể Công Viettel, mũi giày của anh bị mắc lại”, bác sỹ Đồng Xuân Lâm của HAGL thẳng thắn phân tích. “Nếu mặt sân nhẵn với cỏ tốt thì mũi giày sẽ trượt được. Đằng này mặt sân xấu quá nên mũi giày bị mắc lại, làm bẻ gập khớp gối xuống. Điều này làm Phạm Lý Đức bị giãn dây chằng trong độ 2. Bạn ấy sẽ phải nghỉ thi đấu khoảng 1 tháng hoặc hơn”.

Mới đây nhất, trong trận đấu giữa Thể Công Viettel và Quảng Nam hôm 6/4, sân Mỹ Đình lại khiến 1 cầu thủ chấn thương rất nặng. Đó là hậu vệ Vũ Tiến Long. Cầu thủ 23 tuổi bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước ở đầu gối trái.

“Tôi gặp chấn thương nặng mà không va chạm với ai. Khi tôi lao lên tranh bóng, chân trái của tôi tiếp xúc xuống mặt sân gồ ghề, không bằng phẳng nên bị lệch trụ. Khi vùng đầu gối bị lệch đi, tôi đã cảm nhận được có gì đó không ổn”, Tiến Long thất vọng nói.

Mặt sân quá tệ của Mỹ Đình trở thành “cạm bẫy” rình rập nhiều cầu thủ.

Mặt sân quá tệ của Mỹ Đình trở thành “cạm bẫy” rình rập nhiều cầu thủ.

Cạm bẫy chưa bị dẹp bỏ

Chứng kiến Tiến Long đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, HLV Văn Sỹ Sơn chỉ còn biết tự trách mình khi không quyết liệt… tự xin thua trước trận đấu. Ông nói: “Mặt sân Mỹ Đình quá chắp vá, cỏ dày lên 3-4cm, cầu thủ rất sợ chấn thương. Thậm chí tôi nghĩ rằng nên xin thua để chuẩn bị về đá trận sau vì tôi rất sợ cầu thủ dính chấn thương. Mặt sân Mỹ Đình không thể đảm bảo cho một trận đấu tại V.League”.

Phải chờ tới tháng 6, một “gói giải cứu” sân Mỹ Đình với trị giá 8 tỷ đồng mới xuất hiện. Dựa trên nguồn lực này, mặt cỏ Mỹ Đình sẽ được làm mới hoàn toàn, từ việc tăng thêm lớp nền, gieo lại cỏ và chăm sóc, tưới, tiêu kỹ lưỡng… Nhưng từ thời điểm đó cho đến tháng 6, Mỹ Đình sẽ tiếp tục diễn ra hoạt hộng văn hóa, thể thao liên tục trong phạm vi gần 40 ngày.

Theo đó, sân Mỹ Đình sẽ tổ chức 2 sự kiện văn nghệ, giải trí trong giai đoạn cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Khi mặt cỏ vốn đã xuống cấp lại càng tệ hại sau khi “gồng mình” tổ chức 2 sự kiện kể trên, Mỹ Đình sẽ… trở lại với hoạt động bóng đá. Bởi theo kế hoạch, vào cuối tháng 5, CLB Thể Công Viettel sẽ tiếp đón Hải Phòng trên sân nhà. Nếu VPF không quyết liệt trong việc ngăn 2 đội thi đấu tại Mỹ Đình, trong bối cảnh mặt cỏ đã gần như hết sạch công năng, nguy cơ về việc xảy ra chấn thương với một số cầu thủ ở cả 2 đội hoàn toàn có thể xảy đến.

Cần nói thêm, đầu tháng 6, ĐT Việt Nam sẽ hội quân để chuẩn bị cho chuyến làm khách đặc biệt quan trọng trên sân của Malaysia. HLV Kim Sang Sik vốn đã chịu tin thất thiệt đến từ chấn thương của Doãn Ngọc Tân, Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Xuân Son, Hồ Tấn Tài, Bùi Vĩ Hào. Nếu như vì mặt cỏ tệ hại của Mỹ Đình mà kéo theo chấn thương cho một vài tuyển thủ quốc gia khác, chiến lược gia họ Kim và ĐT Việt Nam khó lòng vững tin khi đấu với Malaysia.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khai thác hiệu quả sân Mỹ Đình

Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phương án khai thác hiệu quả sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, có phương án khai thác sân vận động quốc gia Mỹ Đình, bảo đảm khai thác hiệu quả, tránh lãng phí, xuống cấp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.

Tình trạng xuống cấp, nhếch nhác ở sân Mỹ Đình đã diễn ra hàng chục năm qua khiến dư luận quan tâm, bức xúc. Lần sửa sang gần nhất sân Mỹ Đình được tiến hành vào năm 2021 để chuẩn bị cho SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5/2022. Thời điểm này, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình được ngân sách chi tổng cộng khoảng hơn 400 tỉ đồng để sửa chữa sân Mỹ Đình, mua sắm trang thiết bị thi đấu môn điền kinh, các môn thể thao dưới nước.

Dù vậy, ở giai đoạn này, mặt sân Mỹ Đình không được sửa vì không kịp tiến độ để tổ chức SEA Games 31.

Thành Trần

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/so-tay-the-thao/my-dinh-san-bong-hay-hiem-dia--i764975/