Mỹ định trừng phạt thêm 120 thực thể Trung Quốc, miễn trừ quy tắc mới kiểm soát xuất khẩu thiết bị chip với đồng minh

Chính quyền Biden lên kế hoạch công bố quy định mới vào tháng 8, sẽ mở rộng quyền hạn của Mỹ trong việc ngăn chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ một số quốc gia nước ngoài sang các hãng chip Trung Quốc, theo hai nguồn tin của Reuters.

Tuy vậy, các đồng minh của Mỹ cung cấp thiết bị sản xuất chip then chốt gồm Nhật Bản, Hà Lan và Hàn Quốc sẽ được miễn trừ, hạn chế bị tác động bởi quy định này, theo những nguồn tin không được phép nói chuyện với giới truyền thông và từ chối nêu tên.

Qua đó, các nhà sản xuất thiết bị chip lớn như ASML (Hà Lan) và Tokyo Electron (Nhật Bản) sẽ không bị ảnh hưởng. Cổ phiếu cả hai công ty này đều tăng vọt sau tin tức trên.

Theo một trong những nguồn tin, biện pháp mới (một phần mở rộng của quy định được gọi là Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài) sẽ cấm khoảng nửa tá nhà máy sản xuất chip Trung Quốc tiếp nhận hàng xuất khẩu từ nhiều quốc gia. Những nơi bị ảnh hưởng là Israel, Đài Loan, Singapore và Malaysia.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ, đơn vị giám sát kiểm soát xuất khẩu, đã từ chối bình luận.

Khi được hỏi về biện pháp kiểm soát xuất khẩu sắp tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lâm Kiếm cho biết nỗ lực của Mỹ nhằm "ép buộc các quốc gia khác đàn áp ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc" làm suy yếu thương mại toàn cầu và gây tổn hại cho tất cả các bên.

Lâm Kiếm nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng các quốc gia liên quan sẽ chống lại nỗ lực từ Mỹ và bảo vệ lợi ích lâu dài của họ.

"Việc kiềm chế và đàn áp không thể ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc, mà chỉ tăng cường quyết tâm và khả năng phát triển khả năng tự lực về khoa học và công nghệ của Trung Quốc", ông nói.

Để cản trở các đột phá về siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với chip và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc vào năm 2022, 2023.

Quy định mới, đang ở dạng dự thảo, cho thấy cách chính quyền Biden tìm cách duy trì áp lực lên ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc nhưng không gây bất bình cho các đồng minh.

Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài quy định rằng nếu một sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, chính phủ Mỹ có quyền ngăn chặn việc bán nó, gồm cả sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài.

Quy tắc này đã được Mỹ áp dụng nhiều năm để giữ cho các chip sản xuất ở nước ngoài không thể đến Huawei. Gã khổng lồ công nghệ này đã tự đổi mới sau khi gặp khó khăn với các hạn chế của Mỹ và đang là trung tâm sản xuất, phát triển chip tiên tiến của Trung Quốc.

Một phần khác của gói biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới sẽ giảm lượng nội dung của Mỹ cần thiết để xác định khi nào các mặt hàng nước ngoài phải chịu sự kiểm soát của Mỹ. Các nguồn tin cho biết điều đó sẽ đóng lỗ hổng trong Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài.

Ví dụ, thiết bị có thể được chỉ định là nằm trong diện kiểm soát xuất khẩu chỉ vì một chip chứa công nghệ của Mỹ tích hợp vào nó, họ cho biết.

Mỹ cũng có kế hoạch thêm khoảng 120 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của mình, gồm nửa tá nhà máy sản xuất chip cùng các nhà sản xuất công cụ, nhà cung cấp phần mềm EDA (tự động hóa thiết kế điện tử) và những công ty liên quan.

Gói biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ theo kế hoạch hiện chỉ ở dạng dự thảo và có thể thay đổi, nhưng mục tiêu là công bố dưới một số hình thức vào tháng 8, theo các nguồn tin của Reuters.

Ngoài Nhật Bản, Hà Lan và Hàn Quốc, dự thảo quy định miễn trừ hơn 30 quốc gia khác thuộc cùng nhóm A:5.

Trên trang web của mình, Bộ Thương mại Mỹ cho biết phân loại các quốc gia thuộc nhóm nhóm A:5 dựa trên các yếu tố như quan hệ ngoại giao và lo ngại về an ninh. Việc phân loại này giúp xác định các yêu cầu cấp phép và đơn giản hóa các quy định kiểm soát xuất khẩu, đảm bảo thương mại quốc tế hợp pháp và an toàn. Hiện tại, danh sách cụ thể các quốc gia thuộc nhóm A:5 không được Mỹ công bố công khai một cách đầy đủ. Việc này để duy trì tính linh hoạt trong chính sách ngoại giao và thương mại.

Cổ phiếu ASML tăng 6,5% trong phiên giao dịch sáng 31.7 tại Amsterdam (thủ đô Hà Lan), còncổ phiếu Tokyo Electron chốt phiên 31.7 cao hơn 7,4%. Cổ phiếu các nhà sản xuất thiết bị liên quan đến chip khác của Nhật Bản cũng tăng mạnh, với Screen Holdings tăng 9% và Advantest tăng 4,5%.

Đĩa bán dẫn là một miếng silicon mỏng, thường có đường kính từ 150mm đến 300mm, được sử dụng làm vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp. Đĩa bán dẫn đóng vai trò như một khung để chứa các bo mạch điện tử được tạo ra thông qua quá trình chế tạo bán dẫn.

Những miễn trừ theo kế hoạch là dấu hiệu cho thấy Mỹ cần phải ngoại giao khi thực hiện các hạn chế.

"Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiệu quả phụ thuộc vào sự tham gia của nhiều bên. Chúng tôi liên tục hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng để đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia chung", một quan chức Mỹ từ chối nêu tên cho biết.

Chính quyền Biden định mở rộng quyền hạn của Mỹ trong việc ngăn chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ một số quốc gia nước ngoài sang các hãng chip Trung Quốc, song miễn trừ cho các đồng minh - Ảnh: Internet

Chính quyền Biden định mở rộng quyền hạn của Mỹ trong việc ngăn chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ một số quốc gia nước ngoài sang các hãng chip Trung Quốc, song miễn trừ cho các đồng minh - Ảnh: Internet

SMIC và các công ty Trung Quốc tăng năng lực sản xuất chip do sợ lệnh trừng phạt mới từ Mỹ

Các hãng sản xuất chip Trung Quốc, chẳng hạn Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Group, đang tăng công suất trong bối cảnh lo ngại về các lệnh trừng phạt công nghệ mới từ Mỹ.

Dù tụt hậu so với các đối thủ như TSMC và Samsung Electronics về công nghệ xử lý chip, các công ty Trung Quốc đang tích cực tăng đầu tư vào năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu về chip truyền thống, vốn được sử dụng trong các ứng dụng như ô tô và thiết bị điện tử tiêu dùng.

Tổng công suất của các hãng sản xuất chip ở Trung Quốc sẽ tăng 15% lên 8,9 triệu đĩa bán dẫn mỗi tháng trong năm 2024 và 14% lên 10,1 triệu đĩa bán dẫn vào 2025, vượt mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 6% và 7% cùng kỳ, theo báo cáo từ SEMI - hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Mỹ.

Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% tổng công suất đĩa bán dẫn của thế giới vào năm 2025, SEMI cho biết.

SEMI nêu trong báo cáo: “Bất chấp những rủi ro tiềm ẩn, Trung Quốc đang tích cực tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất chip, một phần do nỗ lực giảm bớt tác động từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”. Các nhà sản xuất chip Trung Quốc gồm Nexchip, SiEn (Qing Dao) Integrated Circuits Co và nhà sản xuất chip nhớ ChangXin Memory Technologies đều đang mở rộng hoạt động.

Tốc độ đầu tư đã gây ra lo ngại về tình trạng dư thừa công suất, với việc chính quyền Biden sẽ tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 18 tỉ USD, gồm cả việc tăng 50% thuế với nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc bắt đầu từ năm 2025, để bảo vệ ngành công nghiệp chip địa phương của Mỹ.

“Các công ty Trung Quốc đã dự trữ các công cụ sản xuất chip vào năm 2023. Nhu cầu chưa từng có ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn tại nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại”, Boris Metodiev, nhà phân tích sản xuất chất bán dẫn cấp cao tại hãng TechInsights, nói trong một hội thảo trực tuyến gần đây.

Boris Metodiev lưu ý rằng doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn ở Trung Quốc năm 2023 đã tăng 48% so với tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới là 1%. Ông nói: “Điều này đồng nghĩa nếu bạn không tính đến Trung Quốc, doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn của tất cả khu vực khác đã giảm 15%”.

Việc mở rộng công suất diễn ra sau khi doanh số chất bán dẫn của Trung Quốc giảm hai năm liên tiếp trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp sau khi Bắc Kinh đột ngột chấm dứt chính sách Zero COVID-19 vào cuối năm 2022.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng kế hoạch mở rộng đang diễn ra của Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất vượt mức trong hai năm tới, có khả năng làm giảm giá chip nếu các nhà máy Trung Quốc bắt đầu bán ra thị trường toàn cầu.

Trước đây, Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu cho phần lớn nhu cầu chip của mình, nhưng trong bối cảnh nỗ lực tự cung tự cấp không ngừng và các lệnh trừng phạt của Mỹ gia tăng, tình hình đã thay đổi. Trung Quốc đã nhập khẩu 479,5 tỉ mạch tích hợp (IC) vào 2023, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước, với giá trị nhập khẩu là 349,4 tỉ USD (tương đương mức giảm 15,4% so với năm trước), theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Các công ty sản xuất chip Trung Quốc như SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) và YMTC (hãng chip nhớ lớn nhất Trung Quốc) đã được hưởng lợi từ nỗ lực nội địa hóa của nước này. Các báo cáo ngành công nghiệp chỉ ra rằng những nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn về sử dụng công suất (thước đo hoạt động sản xuất của nhà máy) so với những đối thủ toàn cầu do chính sách thay thế hàng nhập khẩu của Trung Quốc với IC và những sản phẩm công nghệ khác.

Hua Hong Semiconductor Group, nhà máy sản xuất chip lớn thứ hai của Trung Quốc tập trung vào các công nghệ trưởng thành và đặc biệt, chứng kiến việc sử dụng công suất ở mức tối đa và dự kiến sẽ tăng giá 10% nửa cuối năm nay, theo báo cáo từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ).

Theo báo cáo nghiên cứu từ hãng TrendForce (Đài Loan) được công bố cuối tháng 6, một số dây chuyền tại các nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc đã hoạt động hết công suất do nhu cầu của khách hàng cao.

Theo báo cáo, thông thường vào nửa cuối năm, các nhà sản xuất chip thường tích trữ thêm hàng (chip dự phòng) để đáp ứng nhu cầu sắp tới. Song trong 2024, do nhu cầu của khách hàng quá cao, mùa cao điểm này có thể kéo dài hơn dự kiến cho đến hết năm. Việc tăng giá phản ánh nỗ lực giảm áp lực lợi nhuận, chứ không hẳn là do nhu cầu về chip phục hồi hoàn toàn.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-dinh-trung-phat-them-120-thuc-the-trung-quoc-mien-tru-quy-tac-moi-kiem-soat-xuat-khau-thiet-bi-chip-voi-dong-minh-222201.html