Mỹ dỡ hạn chế với khách ngoại đã tiêm chủng, 43.000 người Anh bị sai kết quả xét nghiệm
Chính phủ Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với những du khách quốc tế đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ từ ngày 8/11.
Theo Reuters, các biện pháp hạn chế chưa từng có trong lịch sử nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan đã khiến hàng triệu người nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Mỹ trong suốt 21 tháng qua. Các biện pháp này đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch của xứ sở cờ hoa, gây tổn hại cho nền kinh tế của các cộng đồng ở vùng biên giới và khiến một số người không có cơ hội đoàn tụ với người thân.
Suốt thời gian qua, các nước đồng minh đã vận động chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các quy định trên. Nhiều người, trong đó có Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Olofsdotter ca ngợi quyết định của Nhà Trắng hôm 15/10 là "tin tức rất đáng hoan nghênh".
Phát ngôn viên Nhà Trắng Kevin Munoz xác nhận trên Twitter về thời điểm "mở cửa" với du khách ngoại đã tiêm vắc xin đầy đủ là ngày 8/11. Ông Munoz nói thêm, chính sách này "tuân theo các chỉ dẫn về sức khỏe cộng đồng, nghiêm ngặt và nhất quán".
Quy định mới cũng sẽ được áp dụng đối với các hành khách đến từ hơn 20 quốc gia từng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ kể từ khi đại dịch bùng phát. Thay đổi được công bố 3 ngày sau khi Nhà Trắng cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế liên quan tới Covid-19 tại các cửa khẩu đường bộ với Canada và Mexico.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 45,7 triệu ca mắc, gần 744.000 bệnh nhân không qua khỏi.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) thống kê, tính đến sáng 15/10, nước này đã tiêm được gần 406,6 triệu liều vắc xin. Trong đó, 66% dân số toàn quốc đã được tiêm ít nhất một liều, 57% hoàn thành tiêm chủng và 2,8% được tiêm mũi tăng cường (liều vắc xin thứ 3).
Anh đình chỉ cơ sở trao kết quả xét nghiệm sai hàng nghìn người
Cơ quan an ninh y tế Anh (UKSHA) ngày 15/10 thông báo đã đình chỉ một phòng xét nghiệm Covid-19 ở miền trung đất nước vì tình nghi cơ sở này đã trao các kết quả xét nghiệm PCR sai lệch cho hàng nghìn người.
Theo đài CNA, nhà chức trách đã mở cuộc điều tra đối với phòng xét nghiệm ở Wolverhampton do nhận được nhiều báo cáo về những trường hợp có kết quả xét nghiệm PCR âm tính sau khi được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng bộ xét nghiệm nhanh (LFD).
Các khuyến nghị lâu nay của cơ quan y tế Anh là, xét nghiệm PCR cho kết quả chính xác hơn LFD và mọi người có thể ngưng tự cách ly nếu nhận được kết quả PCR âm tính sau kết quả LFD dương tính.
Theo UKSHA, phòng xét nghiệm ở Wolverhampton có thể đã trao kết quả PCR âm tính không chính xác cho khoảng 43.000 người, chủ yếu ở vùng tây nam nước Anh. Điều này được tin có thể làm giảm số ca mắc mới tại địa phương từ ngày 8/9 - 12/10.
Trung tâm y tế Immensa, cơ quan quản lý cơ sở xét nghiệm nói trên cho biết đang hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra của UKSHA.
Trong khi đó, tiến sĩ Will Welfare, giám đốc các sự cố y tế công của Anh nói, hiện không có bằng chứng về bất kỳ lỗi nào xảy ra với chính các bộ xét nghiệm LFD hay PCR, nên người dân có thể an tâm tiếp tục sử dụng chúng. UKSHA khẳng định đây là sự cố đơn lẻ và các mẫu xét nghiệm hiện được chuyển cho các cơ sở khác kiểm tra.
Australia cho phép công dân nhập cảnh không cần cách ly
Thủ tướng Scott Morrison thông báo, kể từ ngày 1/11 tới đây, các công dân Australia, những người có thị thực thường trú ở nước này và thân nhân trực tiếp của họ, sẽ không cần cách ly khi nhập cảnh nếu đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, quy định chưa áp dụng đối với du khách nước ngoài.
Chính quyền bang New South Wales (NSW) cũng tuyên bố, tất cả du khách đến bang này sẽ không phải cách ly kể từ ngày 1/11, nếu có chứng nhận hoàn thành tiêm chủng bằng các loại vắc xin đã được Cơ quan quản lý dược phẩm Australia (TGA) phê duyệt và kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành.
Theo Thủ hiến bang bang NSW Dominic Perrottet, những người nhập cảnh chưa tiêm đủ liều vắc xin sẽ vẫn phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc tại khách sạn. Song, chính quyền bang chỉ có thể bố trí chỗ ở cách ly cho tối đa 210 người/tuần.
Tính đến hết ngày 15/10, xứ sở chuột túi mới ghi nhận 138.720 ca mắc, bao gồm 1.507 trường hợp thiệt mạng. 71% dân số nước này đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 55% đã hoàn thành tiêm chủng, theo báo New York Times.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 16/10 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 240,8 triệu người, hơn 4,9 triệu ca tử vong. Song, trên 218 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Pháp ngày 15/10 đã dừng chương trình xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho người dân. Đây là một phần nỗ lực của chính phủ nước này nhằm khuyến khích các công dân đi tiêm phòng. Hiện tại Pháp, để có thể vào các nhà hàng, quán cà phê, địa điểm thi đấu thể thao và những nơi giải trí công cộng như rạp chiếu phim, người dân phải có hộ chiếu vắc xin (chứng nhận âm tính với virus trong vòng 48 giờ hoặc mới hồi phục sau khi mắc bệnh trong vòng 6 tháng hay đã được tiêm phòng đầy đủ).
- Cùng ngày, tại Italia, quy định người lao động phải xuất trình thẻ xanh Covid-19, một loại hộ chiếu vắc xin dạng giấy hoặc kỹ thuật số, tại nơi làm việc bắt đầu có hiệu lực. Những lao động không có thẻ xanh sẽ bị đình chỉ làm việc mà không được trả lương hoặc đối mặt với mức phạt 1.500 Euro nếu phớt lờ quy định.
- Văn phòng Tổng thống Latvia ngày 15/10 thông báo, ông Egils Levits có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 một ngày trước đó, sau khi trở về từ chuyến công tác ở Thụy Điển. Do đã tiêm phòng đầy đủ nên ông Levits chỉ có các triệu chứng nhẹ, tự cách ly trong khi tiếp tục làm việc từ xa.
- Hội đồng cố vấn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa nhất trí về khuyến nghị tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho người cao tuổi, người dễ có nguy cơ mắc Covid-19 bằng vắc xin Moderna liều thấp.