Mỹ dọa dừng cấp vũ khí cho Israel: Bề nổi của tảng băng chìm
Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa ngừng chuyển cho Israel số vũ khí được cho là để tấn công thành phố Rafah, số vũ khí mà Israel đã nhận được thừa đủ để họ tiếp tục chiến dịch này.
Cung cấp lượng vũ khí lớn đến mức khó tìm đủ máy bay để vận chuyển
Theo New York Times, Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel và đã đẩy mạnh chuyển giao vũ khí sau vụ Hamas tấn công các mục tiêu ở Israel hôm 7/10 khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 bị bắt làm con tin.
Tính từ thời điểm đó, Mỹ được cho là đã chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí sang Israel. Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Bradley Bowman tại Quỹ Quốc phòng và Dân chủ có trụ sở ở Washington, hầu hết số vũ khí này nằm trong thỏa thuận giữa hai nước được Quốc hội và Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt từ lâu.
Song theo ông Bowman, điều Mỹ đã làm ngay lập tức đó là chuyển giao cho Israel số lượng vũ khí lớn bất thường. New York Times dẫn một báo cáo từ Quỹ Quốc phòng và Dân chủ, việc chuyển giao này diễn ra dồn dập đến mức một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận có những lúc Bộ Quốc phòng chật vật mới tìm đủ máy bay vận tải để giao hàng.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pete Nguyen cho biết, số vũ khí Mỹ chuyển giao cho Israel gần đây bao gồm cả những loại đầu đạn dẫn đường chính xác, đạn pháo, thiết bị y tế và nhiều hạng mục trang thiết bị quan trọng. Cũng theo ông Pete Nguyen, tính từ cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 đến nay, Mỹ đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ an ninh cho Israel.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp và giới truyền thông Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc Chính phủ Mỹ không cung cấp đầy đủ thông tin của những đợt chuyển giao vũ khí nói trên. Cho đến nay, Lầu Năm Góc mới chỉ đưa ra hai bản thông cáo báo chí vào ngày 9/12 và 29/12 liên quan đến việc phê chuẩn khẩn cấp việc bán vũ khí cho Israel trong khi lại thường xuyên cập nhật chi tiết số khí tài chuyển giao cho Ukraine.
Cụ thể, số vũ khí Mỹ chuyển cho Israel từ ngày 7-29/10 bao gồm 52.229 viên đạn pháo M795 155mm, 30.000 viên đạn pháo M4 dành cho các loại lựu pháo và 4.792 viên đạn pháo M107 155mm cùng 13.981 viên đạn chống tăng M830A1 120mm.
Về mặt pháp lý, Bộ Ngoại giao Mỹ có quyền không công khai chi tiết một số thương vụ mua vũ khí Mỹ của Israel kể từ ngày 7/10 do số tiền trong mỗi thương vụ thấp hơn so với ngưỡng được quy định phải công bố chi tiết.
Chuyển hơn 100 đợt vũ khí trong vài tháng
Theo những thông tin mà Washington Post có được, Mỹ đã phê chuẩn và chuyển giao hơn 100 đợt bán vũ khí cho Israel kể từ ngày 7/10.
Cụ thể, có một đơn hàng được thông qua vào cuối tháng 10 cho phép Mỹ bán cho Israel những bộ chuyển đổi bom thông thường thành bom dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trị giá 330 triệu USD sau khi Israel vừa mua những bộ chuyển đổi tương tự với giá 403 triệu USD.
Quỹ Quốc phòng và Dân chủ đã lên danh sách những loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Israel dựa trên những thông tin báo chí và thông báo chính thức. Theo đó, các loại vũ khí này bao gồm hệ thống phòng không, những loại đạn dẫn đường chính xác, đạn pháo, đạn chống tăng, tên lửa Hellfire gắn trên máy bay không người lái, đạn 30mm, thiết bị quan sát đêm PVS-14 và tên lửa vác vai…
Trong khi đó, trang web Breaking Defense tiết lộ Lầu Năm Góc chuyển lại cho Israel 2 hệ thống tên lửa được trang bị cho hệ thống phòng không Vòm Sắt và cho phép Israel tiếp cận số vũ khí sẵn có trong kho trong trường hợp cấp thiết. Một quan chức Mỹ cho biết Israel gần đây đã yêu cầu được cung cấp các loại vũ khí như bom có trọng lượng từ 110kg - 900kg.
Được biết, số vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Israel được giải ngân theo một biên bản ghi nhớ giữa 2 bên từ năm 2016, trong đó Mỹ cam kết cung cấp cho Israel số vũ khí trị giá 38 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Ngoài ra, hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ký thông qua một gói viện trợ quân sự trị giá khoảng 15 tỷ USD dành cho Israel. Số vũ khí này được Israel tiếp nhận trực tiếp từ Bộ Quốc phòng và các nhà thầu quốc phòng Mỹ trong đó có cả những loại bom thông thường và bom dẫn đường mà Israel sử dụng để không kích vào Dải Gaza trong những tháng qua. Bên cạnh đó, Israel còn được Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không và trực thăng.
Tuy nhiên, ông Biden mới đây đã đe dọa dừng cung cấp các loại vũ khí mà Israel sử dụng trong chiến dịch tấn công thành phố Rafah trong đó có 1.800 quả bom 900kg và 1.700 quả bom 225kg và viện dẫn lý do cuộc tấn công này đã gây ra thảm họa nhân đạo tại đây. Giới chức Mỹ cho biết họ đang cân nhắc quyết định dừng việc chuyển giao các loại vũ khí khác cho Israel trong tương lai.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Biden đã cảnh báo Thủ tướng Israel Netanyahu về khả năng Mỹ dừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu quân đội Israel tiếp tục tấn công vào Rafah.
"Nếu họ tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp cho họ số vũ khí mà Israel từng sử dụng trước đây. Việc này là nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhân đạo tại Rafah", ông Biden nhấn mạnh.
Đáp lại, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định sẽ tiếp tục tấn công vào Rafah dù không được Mỹ cung cấp vũ khí.
"Nếu phải đứng một mình, chúng tôi sẽ đứng một mình. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ quyết tâm chiến đấu đến cùng", ông Netanyahu tuyên bố.