Mỹ đòi dừng dự án vũ khí tối mật 'Ngày tận thế' Burevestnik của Nga, vì sao?

Cho rằng, 2 trong số các vũ khí răn đe chiến lược của Nga mà Tổng thống Putin từng tuyên bố là vô song và 'không đối thủ', là tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm và lãng phí tiền bạc, Mỹ đã kêu gọi Nga 'đóng' 2 dự án này.

Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đã gọi các dự án tên lửa Burevestnik và Poseidon của Nga là "khủng khiếp" và kêu gọi đóng các dự án này.

"Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng Skyfall (Burevestnik) và Poseidon là những dự án khủng khiếp. Không quan trọng là Nga có chịu trách nhiệm cho sự cố gần đây nhất hay không, điều này cho thấy tại sao Nga phải đưa các dự án này lên kệ. Chỉ tổ lãng phí tiền bạc", - ông Billingslea viết trên Twitter.

Ông Billingslea đã đưa ra những lời bình luận sau khi một bài báo trên tạp chí Forbes, nói, lý do khiến bức xạ nền tại tại một căn cứ của Nga gần đây gia tăng, có thể liên quan đến việc Nga thử nghiệm tên lửa Burevestnik.

Mô hình tên lửa Burevestnik. Nguồn: Stalkerzone.

Mô hình tên lửa Burevestnik. Nguồn: Stalkerzone.

Trước nhận xét của Billingslea, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự tại MGIMO, Nga, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử Alexei Podberezkin nói với Sputnik, mối quan tâm của Hoa Kỳ về chi tiêu quốc phòng của Nga là "giả tạo và ngu ngốc", đồng thời lưu ý rằng trên thực tế Hoa Kỳ đang lo lắng về điều khác.

"Liên quan đến các hệ thống vũ khí mới, bao gồm Burevestnik, đây là những hệ thống thay đổi cán cân chiến lược khá rõ nét. Chúng làm mất giá trị nhiều chương trình của Mỹ liên quan đến nỗ lực tiến hành cuộc tấn công đầu tiên. Trong hệ thống Burevestnik, tên lửa có tầm bắn không giới hạn, nghĩa là, nó có thể bay từ bất kỳ hướng chiến lược nào. Và điều này có nghĩa là các hệ thống phòng không và tên lửa do Hoa Kỳ tạo ra trong 25 năm qua và đã tiêu tốn hàng chục tỷ đô la đang mất đi giá trị của mình. Và động cơ cho cú tấn công đầu tiên đang suy yếu đáng kể", - ông Podberezkin nhận định.

Tên lửa Burevestnik tại cơ sở sản xuất. Ảnh: Dailymail.

Tên lửa Burevestnik tại cơ sở sản xuất. Ảnh: Dailymail.

Trong khi đó, phát biểu trên tờ Wired, Jeffrey Lewis- Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California, Hoa Kỳ, bày tỏ, vũ khí dạng Burevestnik của Nga không lạ gì với Mỹ, tuy nhiên nước này đã “bỏ rơi” dự án từ nhiều thập kỷ trước bởi xét thấy không nên làm.

"Một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân là một ý tưởng kỳ quặc. Mỹ từ lâu đã từ chối và coi nó như một cơn ác mộng về kỹ thuật, chiến lược và môi trường.", Jeffrey Lewis nói.

Vào những năm 1960, Mỹ đã xem xét việc phát triển tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của riêng mình mang tên Project Pluto, nhưng cuối cùng dự án đã bị hủy bỏ, theo Businessinsider.

"Đó là một ý tưởng tồi, một ý tưởng ngu ngốc. Một hành động tuyệt vọng.", Pike, một chuyên gia hàng đầu về chính sách quốc phòng, không gian và tình báo Hoa Kỳ, nói; đồng thời giải thích, các tên lửa xuyên lục địa ICBM truyền thống, như Minuteman, là “một phương án đơn giản hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn nhiều” để tiêu diệt một kẻ thù.

Cơ sở sản xuất tên lửa Burevestnik . Ảnh: RT.

Cơ sở sản xuất tên lửa Burevestnik . Ảnh: RT.

Chuyên gia quân sự Nga Anton Lavrov trong bài báo trên tờ Izvestia, cho rằng, thiết kế của Burevestnik sử dụng động cơ ramjet, không giống như các hệ thống đẩy truyền thống cho vũ khí hạt nhân, sẽ có khí thải phóng xạ trong toàn bộ hoạt động.

Liên quan đến sự cố tên lửa bí mật mà Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ nhắc đến, ngày 8/8/2019, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một động cơ tên lửa đã bị nổ tung trước đó cùng ngày, trong quá trình thử nghiệm tại căn cứ quân sự ở Nyonoksa ở vùng Tây Bắc Arkhangelsk, khiến ít nhất 6 người chết và nhiều người khác bị thương.

Đáng lưu ý, trong danh sách thương vong có tới 5 chuyên gia hàng đầu của tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom.

Giới chức quân sự Nga nói, đó là vụ nổ trong quá trình thử nghiệm động cơ đẩy nhiên liệu lỏng của một loại tên lửa mới. Chính quyền địa phương ở Severodvinsk tiêt lộ, có sự gia tăng bất thường của mức độ phóng xạ tại vị trí xảy ra tai nạn. Điều gián tiếp chứng tỏ, tên lửa có liên quan đến yếu tố hạt nhân.

Giới tình báo Mỹ cho rằng tai nạn hôm 8/8/2019 xảy ra tại Nga không phải trong quá trình thử nghiệm mà là trong lúc trục vớt một quả tên lửa 9M730 Burevestnik, bị rơi xuống đáy biển trong một thử nghiệm thất bại.

Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa Burevestnik vào tháng 1/2019. Ảnh cắt từ video, nguồn: Pravda.

Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa Burevestnik vào tháng 1/2019. Ảnh cắt từ video, nguồn: Pravda.

Trong một tuyên bố ngày 26/8/2019, Aleksei Karpov- đặc phái viên của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, nói, vụ tai nạn có liên quan đến sự phát triển của vũ khí mà Nga phải chế tạo, như là một trong những biện pháp “ăn miếng trả miếng” khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước tên lửa chống đạn đạo.

Trước đó, tháng 3/2018, Tổng thống Nga Putin đã tiết lộ một số vũ khí răn đe chiến lược mới của nước này, được mô tả là vũ khí "Ngày tận thế", trong đó có tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik mà NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall. Mục tiêu của nó là đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Là dự án tối mật, các thông tin về dự án Burevestnik hầu như không được tiết lộ. Theo Nezavisimaya Gazeta, Burevestnik là tên lửa nhiệt hạt nhân với động cơ tăng áp nhiên liệu rắn. Chiều dài của tên lửa là 12 m khi phóng và 9 m khi đang bay. Mũi có hình dạng hình elip 1 x 1,5 m.

Video giới thiệu tiên lửa Burevestnik của Nga. Nguồn: Pravda.

Theo truyền thông Nga, Burevestnik, một loại tên lửa hành trình Tomahawk của Nga, đã thử nghiệm thành công vào tháng 1/2019, có phạm vi di chuyển cũng như khả năng cơ động "không giới hạn" và có thể vượt qua mọi biện pháp phòng thủ đã biết.

Tờ Diplomat, Mỹ trích dẫn các nguồn của chính phủ Hoa Kỳ, lưu ý rằng "không có quốc gia nào cho đến nay" đã triển khai một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân do "những thách thức kỹ thuật" và các vấn đề an toàn.

Nếu được triển khai thành công, Burevestnik sẽ thực sự là chưa từng có, do các tính năng và khả năng của nó.

Mathieu Boulègue, một nhà nghiên cứu về chương trình Nga và Eurasia tại Viện các vấn đề quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House, nghi hoặc vũ khí đã bị thổi phồng và có thể dự án này sẽ phải hủy bỏ nếu chứng tỏ việc phát triển nó quá tốn kém và vô dụng.

Ông Boulègue nhấn mạnh, phát triển tên lửa hành trình nhiên liệu hạt nhân, rủi ro và rất nguy hiểm, như tai nạn ở Nga đã cho thấy, bởi vì nó rất không ổn định; chưa kể kỹ thuật phức tạp và chi phí tốn kém. Đây là lý do một vũ khí tương tự của quân đội Hoa Kỳ vào đầu những năm 1960, đã bị hủy bỏ.

Huy Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/my-doi-dung-du-an-vu-khi-toi-mat-ngay-tan-the-burevestnik-cua-nga-vi-sao-90769.html