Mỹ đối mặt khủng hoảng rò rỉ thông tin từ Bộ Quốc phòng đến Nhà Trắng
Mỹ liên tục gặp sự cố rò rỉ thông tin nhạy cảm, từ Bộ trưởng Quốc phòng chia sẻ nhầm trong nhóm chat tới tài liệu Nhà Trắng bị lộ trên Google Drive.
Mỹ liên tiếp gặp sự cố liên quan đến rò rỉ thông tin nhạy cảm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bị cáo buộc chia sẻ tin không kích Yemen trong nhóm chat
Theo bốn nguồn tin am hiểu sự việc của New York Times, vào ngày 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth gửi thông tin về lịch trình bay của máy bay chiến đấu F/A-18 Hornets vào nhóm chat riêng tư có vợ, anh trai và luật sư riêng. Đây là cùng một loại thông tin ông từng chia sẻ nhầm trong nhóm chat Signal khác có sự tham gia của biên tập viên tờ The Atlantic.
Vợ ông, Jennifer – một cựu sản xuất viên của Fox News – không giữ vị trí tại Bộ Quốc phòng nhưng từng đi cùng chồng dự các cuộc họp cấp cao. Anh trai và luật sư riêng của ông đều có công việc tại Lầu Năm Góc nhưng không có lý do rõ ràng để được tiếp cận thông tin tác chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Nhóm trò chuyện này, được ông Hegseth lập từ tháng 1 với tên gọi “Quốc phòng | Nhóm họp kín”, gồm khoảng 12 người thân cận, sử dụng trên điện thoại cá nhân thay vì thiết bị chính phủ.
Việc ông tiếp tục sử dụng nhóm này sau khi được xác nhận làm Bộ trưởng Quốc phòng đang làm dấy lên lo ngại về vi phạm quy định bảo mật. Các cố vấn từng cảnh báo ông không nên chia sẻ thông tin hoạt động quân sự trên nền tảng không chính thức, dù được mã hóa.
Hiện Tổng thanh tra tạm quyền của Lầu Năm Góc đang mở cuộc điều tra để làm rõ liệu việc dùng ứng dụng nhắn tin thương mại có vi phạm chính sách của Bộ Quốc phòng hay không. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh văn phòng của Hegseth vừa trải qua biến động sau khi ba cố vấn thân cận bị sa thải vì cáo buộc rò rỉ thông tin.
Tài liệu nhạy cảm của Nhà Trắng bị chia sẻ nhầm cho hơn 11.000 nhân viên liên bang
Một thư mục Google Drive chứa nhiều tài liệu nhạy cảm, bao gồm sơ đồ mặt bằng Nhà Trắng và thông tin an ninh, bị chia sẻ nhầm với toàn bộ nhân viên Tổng cục Dịch vụ Mỹ (GSA) – hơn 11.200 người, theo hồ sơ mà The Washington Post tiếp cận.
Sự cố bắt nguồn từ việc một nhân viên GSA vô tình thay đổi cài đặt quyền truy cập vào thư mục, cho phép bất kỳ ai trong cơ quan cũng có thể xem và chỉnh sửa. Thư mục này bao gồm tài liệu về lắp đặt cửa chống nổ tại Trung tâm Du khách Nhà Trắng, thông tin ngân hàng của nhà cung cấp từng hỗ trợ họp báo dưới thời ôngTrump, và các bản vẽ của cả Cánh Đông và Cánh Tây Nhà Trắng.
Mặc dù chưa rõ các tài liệu này có thuộc diện “tối mật” hay không, nhiều tệp được đánh dấu là “CUI” – thông tin không phân loại mật nhưng phải được bảo vệ theo quy định liên bang. Một số chuyên gia an ninh cảnh báo rằng nếu các bản vẽ chứa chi tiết về hệ thống an ninh hoặc lối thoát hiểm, chúng có thể phải được phân loại.
Hồ sơ cho thấy các tệp này được chia sẻ từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden và vẫn tồn tại trong hệ thống cho đến tận tuần trước, khi nhóm công nghệ thông tin phát hiện và chặn quyền truy cập. Văn phòng Tổng thanh tra GSA đang điều tra vụ việc trong khuôn khổ kiểm toán an ninh nội bộ.
Sự cố này tiếp tục làm dấy lên lo ngại về cách chính phủ Mỹ xử lý dữ liệu nhạy cảm, sau hàng loạt lỗ hổng tương tự trong cả hai chính quyền Trump và Biden. Các chuyên gia kêu gọi tăng cường đào tạo nhân viên liên bang về bảo mật thông tin trong thời đại số.