Mỹ đối mặt với phục hồi kéo dài sau thảm họa lốc xoáy lịch sử
Hiện lực lượng cứu hộ Mỹ đang chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả của thảm họa lốc xoáy.
Nỗ lực khắc phục ‘tàn dư’
Nhiều nhà chức trách Mỹ gọi đây là một thảm kịch khó tưởng tượng nổi. Những trận lốc xoáy và bão lớn đổ bộ vào 6 bang của Mỹ vào đêm 10/12 và sáng 11/12 (theo giờ địa phương) đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Ước tính hơn 100 người dân đã thiệt mạng chủ yếu tại bang Kentucky. Nhiều ngôi nhà và xưởng sản xuất bị san bằng. Đây được cho là trận lốc xoáy gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử bang này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/12, Thống đốc bang Kentucky ông Andy Beshear cho biết, một tin tốt giữa thảm họa đó là số người chết đã không tăng kể từ ngày 13/12 và hiện có 74 người dân thuộc bang Kentucky được xác nhận đã thiệt mạng. Ông Andy Beshear cho biết thêm, độ tuổi của những người này khoảng từ 2 tháng đến 98 tuổi và trong số đó có tổng cộng 12 trẻ em.
Nhiều đội cứu hộ địa phương và liên bang đang tiếp tục tìm kiếm những người mất tích và có thể mất một tuần hoặc thậm chí lâu hơn nữa trước khi có số liệu cuối cùng về con số thiệt hại mà ít nhất 50 trận lốc xoáy đã gây ra. Đồng thời nỗ lực lớn để dọn dẹp những đống đổ nát có thể sẽ phải tiếp tục trong một thời gian dài sau đó.
Các công ty tiện ích cũng đang tập trung hết sức để nối lại nguồn cung cấp điện và nước sinh hoạt cho người dân. Tính đến thời điểm ngày 14/12, gần 25.000 người dân trong bang Kentucky vẫn đang sống trong bóng đêm.
Loạt thảm họa lốc xoáy không những để lại hậu quả nặng nề mà còn đặt ra câu hỏi về hệ thống cảnh báo và khả năng chuẩn bị ứng phó với thiên tai tại Mỹ. Liệu hệ thống cảnh báo có hoạt động hiệu quả hay không chính là vấn đề đang được nhiều nhà chức trách Mỹ chất vấn. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, những nhà máy, nơi tập trung đông người lao động nên được trang bị thêm các yếu tố an toàn để chống chọi với những hiện tượng thời tiết cực đoan. Họ nhấn mạnh, đây là điều đầu tiên nên được chú trọng khi bắt đầu xây mới các nhà máy để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chính phủ Mỹ cũng đã chỉ đạo tăng cường nguồn lực liên bang ngay lập tức cho các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Hiện lực lượng cứu trợ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả tại hiện trường. Các tổ chức cộng đồng đang cung cấp nơi ở tạm thời và thực phẩm cho những người bị mất nhà cửa do thiên tai.
Nỗi lo lắng của những người sống sót
Ở Mayfield – một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đống mảnh vỡ từ các tòa nhà bị phá hủy và cây cối bị băm nát phủ kín mặt đất. Các tấm kim loại bị xoắn lại, đường dây điện bị đổ và các phương tiện giao thông hư hại nặng nằm rải rác trên các con phố. Cửa sổ và mái nhà đã bị thổi bay khỏi các tòa nhà vẫn còn đứng vững.
Người dân sống sót tại đây hiện phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ: “Cơ sở hạ tầng của chúng tôi đã hư hại quá nặng nề. Chúng tôi không thể có nước máy để dùng khi tháp nước đã bị đổ sập. Việc quản lý nước thải của chúng tôi đã bị ảnh hưởng và không có khí tự nhiên cho thành phố”, Thị trưởng Mayfield Kathy Stewart O'Nan lo ngại. “Vì vậy, đây hoàn toàn thời điểm sống còn đối với rất nhiều người dân của chúng tôi”.
Ở ngoại ô Dawson Springs, một thị trấn khác cũng bị tàn phá bởi những cơn bão, những ngôi nhà bị biến thành đống đổ nát và cây cối đổ rạp, rải rác khắp khu vực trong một khoảng cách ít nhất một dặm. “Trông giống như một quả bom đã nổ. Jack Whitfield Jr., giám đốc điều hành quận Hopkins cho biết. Ông cũng ước tính rằng hơn 60% thị trấn, bao gồm hàng trăm ngôi nhà đều trong tình trạng “không thể sửa chữa được”.
Jack nhấn mạnh: “Việc hồi phục hoàn toàn sẽ mất nhiều năm”.
Tim Morgan, một tuyên úy tình nguyện viên của Sở Cảnh sát trưởng Quận Hopkins khẳng định, bản thân anh đã từng chứng kiến hậu quả của nhiều trận lốc xoáy và các cơn bão trước đây, nhưng chưa từng thấy điều gì khủng khiếp giống như vậy.