Mỹ dự tính nâng cấp P-8 Poseidon thành máy bay ném bom đầy uy lực
Hải quân Mỹ đang có kế hoạch trang bị cho máy bay tuần tra săn ngầm Boeing P-8 Poseidon các tên lửa chống hạm mới, cùng với bom dẫn đường chính xác, mìn và mồi nhử trên không.
Nếu kế hoạch này được thực thi, hải quân Mỹ sẽ có loại máy bay ném bom mới hoạt động trong nhiều thế hệ, sau khi những máy bay ném bom A-6 cuối cùng rời khỏi phi đội vào cuối những năm 1990.
Kế hoạch đầy tham vọng
P-8 Poseidon được phát triển từ dòng máy bay vận tải Boeing 737NG với thiết kế cánh mới, được tích hợp các cảm biến quân sự và thiết bị liên lạc, có một khoang vũ khí với các giá treo vũ khí ở bên ngoài và bên trong, tải trọng đạn dược lên tới 15 tấn.
Trước khi thực hiện kế hoạch nâng cấp, máy bay tuần tra P-8 đã sở hữu năng lực đầy mạnh mẽ với ngư lôi chống hạm, tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa không đối đất tầm xa SLAM-ER.
P-8 có tốc độ hành trình hơn 900 km/h, trần hoạt động 12,5 km, bán kính chiến đấu 3.700 km. Do có 6 thùng nhiên liệu bổ sung nên máy bay này có thể tìm kiếm tại các vùng biển rộng và tuần tra trong thời gian dài tại những khu vực có nguy cơ cao. Các chuyên gia vũ khí cho biết, P-8 có thể thực hiện các nhiệm vụ trong 10 giờ đồng hồ ở phạm vi 1.200 hải lý, săn tìm mục tiêu bằng phao trinh sát. Việc sở hữu radar giám sát AN / APY-10 và camera hồng ngoại MX giúp tối ưu hóa khả năng quét bề mặt các vùng biển, còn phao trinh sát sẽ giúp P-8 có thể tìm thấy tàu ngầm ở nhiều độ sâu khác nhau.
Không giống như các loại máy bay không người lái và máy bay do thám khác, Poseidon không chỉ sở hữu khả năng tìm hay theo dõi tàu ngầm của đối phương mà còn có thể tấn công và tiêu diệt chúng.
Hiện tại, hải quân muốn trang bị thêm tên lửa chống hạm tầm xa, bom JDAM - loại bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi bom, bom đường kính nhỏ, ngư lôi Mark 62/63/65 và mồi nhử phóng từ trên không cho máy bay này. Những vũ khí mới sẽ mở rộng đáng kể các loại mục tiêu mà P-8 có thể tấn công và tiêu diệt.
Với số lượng vũ khí hiện tại, P-8 có thể tấn công các tàu chiến hay những mục tiêu dưới mặt đất cách xa hơn 241km và tàu ngầm ở khoảng cách ngắn hơn. Việc bổ sung tên lửa diệt hạm tầm xa có dẫn đường chính xác LRASM sẽ giúp máy bay này mở rộng phạm vi tấn công các mục tiêu trên biển lên tới hơn 321km.
Các loại bom thông minh JDAM và SDB dù có phạm vi hoạt động hạn chế hơn so với tên lửa SLAM-ER, nhưng sẽ giúp phi hành đoàn gia tăng khả năng tấn công các căn cứ ven biển và yểm trợ lực lượng mặt đất trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Bên cạnh đó, mồi nhử phóng từ trên sẽ không giúp P-8 tăng khả năng sống sót trước hệ thống phòng không của đối phương.
Kế hoạch nâng cấp nói trên sẽ không làm thay đổi vai trò chính của P-8 Poseidon. Hải quân Mỹ dự định sử dụng một phi đội gồm ít nhất 177 chiếc Poseidon để tuần tra hàng hải, tác chiến chống tàu ngầm, chống hạm và tuần tra đất liền bằng cách sử dụng những radar bí mật.
P-8 Poseidon từng được điều động để tham gia chiến dịch phản ứng của NATO, sau khi Nga cùng lúc điều 8 tàu ngầm tiến vào biển Barents và biển Na Uy hồi tháng 10/2019. Từ ngày 25/10 đến ngày 7/11/2019, các máy bay của NATO, trong đó có 6 chiếc P-3 của không quân Na Uy, 4 chiếc P-8 của hải quân Mỹ, 1 chiếc CP-140 của không quân Canada, 1 chiếc máy bay tuần tra hàng hải Atlantic 2 của Pháp, đã thực hiện hơn 40 nhiệm vụ. Những chiếc máy bay này đã bay hàng trăm dặm tại khu vực Bắc Đại Tây Dương, sử dụng radar, hệ thống sonar dò mục tiêu và máy dò từ trường để tìm kiếm dấu vết của tàu ngầm.
Hiện tại, phi đội của hải quân Mỹ vẫn chưa phát triển các chiến thuật để sử dụng máy bay P-8 như một máy bay ném bom. Khi tích hợp những loại vũ khí mới, hải quân Mỹ có thể nâng cấp P-8 thành máy bay ưu việt hơn so với nguyên mẫu hiệu tại.
Ba quốc gia vận hành P-8 Poseidon của Mỹ gồm Na Uy, Hàn Quốc và Anh có thể quan tâm đến các tính năng mới của dòng máy bay trinh sát này sau khi nó được nâng cấp. Anh có một đội quân viễn chinh nhưng vẫn chưa sở hữu bất cứ loại máy bay tấn công tầm xa nào. Na Uy đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ các tàu chiến và hệ thống tên lửa đất đối đất của Nga. Còn Hàn Quốc thì đang rơi vào một cuộc cạnh tranh sức mạnh quân sự với nước láng giềng Triều Tiên.
Tuy vậy, việc huấn luyện và trang bị cho các đơn vị vận hành P-8 khả năng tấn công trên biển tinh vi hơn đòi hỏi mất nhiều thời gian và kinh phí, thậm chí đặt ra những thách thức an ninh đáng kể đối với các nước nói trên. Do đó, ít có khả năng những khách hàng này sẽ theo đuổi nỗ lực nâng cấp những chiến Poseidon của họ thành máy bay ném bom. Và cũng chưa có gì đảm bảo phiên bản nâng cấp P-8 của Mỹ sẽ được cấp phép để bán cho nước ngoài.
P-8 Poseidon được đưa vào sử dụng để thay thế phi cơ tuần tra P-3 Orion của hãng Lockheed Martin. Theo kế hoạch, các máy bay tuần tra P-3, hoạt động từ những năm 1960, sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2023. Trong nhiều thập kỷ qua, hải quân Mỹ đã bổ sung một loạt vũ khí cho P-3 bao gồm ngư lôi, tên lửa chống hạm và tên lửa tấn công đất liền, bom chùm và thậm chí cả tên lửa chống tăng Maverick để nâng cấp các tính năng của máy bay này./.
Video: Điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu thả nitơ lỏng vào vụ nổ hạt nhân.