Mỹ đưa tàu sân bay tới Địa Trung Hải 'răn đe Nga'
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos del Toro cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman đã được triển khai tới Địa Trung Hải để răn đe Nga và thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine nếu Tổng thống Joe Biden yêu cầu.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Politico tuần này, ông Carlos del Toro nói: "Hiện tại, có rất nhiều tàu và tàu ngầm của Nga ở Địa Trung Hải. Đó là lý do tại sao NATO cũng cần thiết lập sự hiện diện ngang bằng để ngăn cản họ".
Theo Bộ trưởng Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman đã được triển khai tới Địa Trung Hải để "răn đe Nga" và "thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine nếu Tổng thống Joe Biden hoặc các nhà lãnh đạo thế giới khác yêu cầu, nhằm bảo vệ đất nước và người dân Ukraine".
USS Harry S. Truman và đội tàu hộ tống hiện đóng ở biển Ionian. Các máy bay trên tàu được cho là đã thực hiện hơn 75 nhiệm vụ tuần tra dọc sườn phía Đông của NATO, bao gồm cả biên giới Ukraine, trong tháng 3-2022. Tàu sân bay này từng tham gia cuộc chiến tại Iraq năm 2003 và hỗ trợ liên minh chống lại phong trào Taliban ở Afghanistan năm 2010.
Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ cũng điều tàu sân bay USS George H.W. Bush tới gần bán đảo ngoài khơi phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân đội Mỹ đang vận hành 11 nhóm tác chiến tàu sân bay và liên tục đưa chúng tới nhiều nơi trên thế giới trong thập kỷ qua. Riêng lực lượng Mỹ tại Địa Trung Hải hoạt động dưới sự chỉ huy của hạm đội 6 (trụ sở ở TP Naples - Ý), bao gồm 40 tàu và 175 máy bay.
Đài Sputnik cho biết ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ ủng hộ thiết lập vùng cấm bay ở Ukrane bất chấp nguy cơ đối đầu với Nga. Trong khi đó, Washington ngày 21-3 tuyên bố họ muốn duy trì quan hệ với Moscow.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng Mỹ và Nga sẽ duy trì các phái đoàn ngoại giao tại đất nước của nhau và các kênh giúp giải quyết xung đột: "Chúng tôi tin rằng việc duy trì các kênh liên lạc với Nga rất quan trọng. Đối thoại mở rất quan trọng, đặc biệt là trong thời gian căng thẳng và xung đột".
Trước phát biểu của ông Ned Price vài giờ, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập Đại sứ Mỹ John Sullivan để cảnh báo rằng mối quan hệ giữa hai nước đang "trên bờ vực sụp đổ" vì những tuyên bố "không thể chấp nhận" của Tổng thống Joe Biden (gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "tội phạm chiến tranh").
Lý do Tổng thống Joe Biden không thăm Ukraine
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 21-3 giải thích lý do Tổng thống Joe Biden sẽ không đến thăm Ukraine vào thời điểm này: "Đối với bất kỳ tổng thống nào, đi vào khu vực chiến sự không chỉ đòi hỏi những cân nhắc về bảo mật mà còn là một nguồn lực khổng lồ trên mặt đất. Tổng thống Biden có thể cũng cảm thấy việc tham gia các cuộc họp với các nhà lãnh đạo NATO, G7, EU ở Brussels - Bỉ và thăm Ba Lan sẽ hiệu quả hơn".
Ngược lại, Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là lên kế hoạch thực hiện một chuyến thăm đến thủ đô Kiev của Ukraine, theo Daily Mail. Tuy nhiên, ông Boris Johnson bị các quan chức an ninh ngăn cản vì lo ngại nguy hiểm.