Mỹ đưa tên lửa đối hạm lên xe chiến thuật tự hành
Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tích hợp tên lửa hành trình đối hạm NSM (Naval Strike Missile, tạm dịch: tên lửa tấn công hải quân) trên một biến thể không người lái của xe chiến thuật hỗn hợp hạng nhẹ JLTV.
Dự án vừa được triển khai này là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa khả năng chống lại các mục tiêu trên mặt nước bằng tên lửa phóng từ bệ phóng đặt trên xe (GBASM) của lực lượng này.
Hiện Thủy quân lục chiến Mỹ đang cần một hệ thống GBASM để đảm nhiệm công tác phòng thủ các căn cứ ven biển cũng như phục vụ học thuyết về chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) được hỗ trợ bởi các tên lửa đối hạm tầm xa.
Ngoài ra, tên lửa NSM cũng có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất nên hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ tác chiến của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ không người lái lên xe JLTV sẽ giúp Thủy quân lục chiến Mỹ giảm số lượng binh sĩ vận hành vũ khí đồng thời có thể triển khai khí tài ở những điều kiện khí hậu khắc nghiệt với con người.
Được phát triển chung bởi hãng Kongsberg của Na Uy và Raytheon (Mỹ), tên lửa NSM được xếp vào danh sách tên lửa chống hạm vượt đường chân trời thế hệ 5 với tầm bắn từ 185km. Tên lửa trang bị một động cơ tên lửa để tăng tốc, sau đó chuyển sang dùng động cơ turbine phản lực.
Dù chỉ có tốc độ hành trình cận âm nhưng tên lửa NSM lại sử dụng cảm biến tia hồng ngoại, thay vì một thiết bị radar chủ động như phần lớn tên lửa đối hạm hiện nay, để định vị nhằm tránh phát ra sóng vô tuyến cũng như vỏ làm bằng chất liệu composite nhằm tránh bị bộc lộ trước các thiết bị điện tử đối phương.
Về tính năng chiến thuật, tên lửa NSM bay bám mặt biển, đồng thời ở giai đoạn cuối, hệ thống nhận diện mục tiêu của tên lửa sẽ tự động xác định điểm yếu của mục tiêu hoặc dựa vào lập trình cho sẵn để tấn công.
Trong khi đó, xe JLTV là chương trình chung được khởi động từ năm 2006 của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ do Oshkosh Defense đảm nhiệm công tác phát triển, sản xuất.
Điểm mạnh của xe JLTV là nó kết hợp được tính năng bảo vệ của xe chống mìn MRAP và tính năng di chuyển linh hoạt của xe Humvee, có thể dễ dàng được vận chuyển bằng trực thăng quân sự hay các máy bay vận tải. Xe JLTV rất cơ động trên các địa hình không bằng phẳng, có thể đạt đến vận tốc 160km/h, trong khi xe Humvee và xe MRAP chỉ đạt lần lượt là 120km/h và 104km/h.
PHẠM HUY (theo Army Recognition)