'Mỹ dung hủ bại': Thú vui làm đẹp và thủ đoạn thăng tiến của các nữ quan tham Trung Quốc
Trong các tin tức của truyền thông Trung Quốc về quan chức tham nhũng, thỉnh thoảng lại xuất hiện cụm từ 'Mỹ dung hủ bại' (tham nhũng để làm đẹp), hầu hết các quan chức liên quan đều là nữ.
Tối 25/1/2024, tập đầu tiên của bộ phim đặc biệt về chuyên đề chống tham nhũng do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh ủy Hải Nam và đài truyền hình phối hợp sản xuất đã được phát sóng. Đặng Tiểu Cương, nguyên Giám đốc Sở Môi trường sinh thái; Tôn Dĩnh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Thị trường; Cao Dũ nguyên Viện trưởng Biển Nhiệt đới Hải Nam, đã xuất hiện trước camera nhận tội và đưa ra những tình tiết thú vị.
Đúc vàng giấu trong máy chạy bộ
Trong phim tài liệu, số tiền liên quan đến vụ án Tôn Dĩnh tham nhũng lên tới 64,6 triệu NDT (hơn 9 triệu USD). Chi tiết đáng chú ý là người phụ nữ này đã giấu vàng trong máy chạy bộ để khỏi bị phát hiện.
Tôn Dĩnh, 57 tuổi, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Du lịch tỉnh Hải Nam. Sau cải cách tổ chức, bà trở thành Giám đốc Sở Thể thao, Du lịch, Văn hóa, Phát thanh Truyền hình tỉnh.
Phim tài liệu mới đây tiết lộ rằng, tại một trong nhiều căn nhà thuộc sở hữu của Tôn Dĩnh, các nhà điều tra đã phát hiện một chiếc máy chạy bộ tưởng chừng như bình thường, nhưng lại giấu nhiều miếng vàng 24K được bọc kín. Được biết, số vàng này bắt nguồn từ những món đồ hối lộ, được nữ quan tham mang đi nấu chảy và đúc lại thành miếng cho dễ giấu.
Số vàng này được định giá khoảng 958.000 USD. Tòa án nhân dân trung cấp số 1 tỉnh Hải Nam đã đưa vụ án Tôn Dĩnh ra xét xử vào tháng 9 năm ngoái nhưng hiện vẫn chưa tuyên án.
Những giọt nước mắt hối hận của Tôn Dĩnh (Ảnh: QQ).
Trào lưu “Mỹ dung hủ bại”
Trong số những quan chức tham nhũng bị "ngã ngựa" những năm gần đây, không ít người liên quan tới cái gọi là "mỹ dung hủ bại", hay “tham nhũng làm đẹp”. Cụm từ này ám chỉ các vụ án tham ô và nhận hối lộ liên quan đến sắc đẹp, chẳng hạn như các thỏa thuận nhận dịch vụ xa xỉ như liệu pháp làm đẹp cao cấp hoặc nhận tiền để chi cho việc làm đẹp.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành ủy và Ủy ban Giám sát thành phố Bắc Kinh hôm 2/2 vừa qua thông báo Trần Quế Phần, cựu Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính trị Hiệp thương quận Diên Khánh Bắc Kinh, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật. Bà bị nghi ngờ nhận hối lộ, đã bị khai trừ khỏi đảng và cơ quan công quyền, bị chuyển sang cơ quan kiểm sát truy tố về tội nhận hối lộ.
Thông báo chỉ ra rằng Trần Quế Phần đã nhận quà trái phép và dịch vụ làm đẹp. Khi đưa tin, báo chí Trung Quốc nhấn mạnh "thêm một quan chức nữa đã bị ngã ngựa vì mỹ dung hủ bại".
Nữ quan tham Trần Quế Phần (Ảnh: Hk01)
Được biết, việc quan chức biển thủ số tiền công quỹ khổng lồ để phẫu thuật thẩm mỹ cho bản thân hoặc vợ/chồng đã trở thành một hình thức tham nhũng mới ở Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin Khổng Tường Huy, cựu bí thư Thành ủy Mang Nhai, tỉnh Thanh Hải lĩnh án 13 năm tù do bị cáo buộc sử dụng số tiền kiếm được bất hợp pháp để nhiều lần đưa vợ về Thành Đô và Thượng Hải làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ. Tổng cộng, ông ta đã tiêu tốn hết 3,06 triệu NDT (10,71 tỉ đồng) để đưa vợ đi làm đẹp.
Phẫu thuật thẩm mỹ để thăng quan
Trường hợp "tham nhũng làm đẹp" nổi tiếng nhất là Lưu Quang Minh, nguyên Cục trưởng Cục Thuế thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, người được mệnh danh là "giám đốc có vòng ba đẹp nhất".
Truyền thông Trung Quốc chỉ ra rằng, để được thăng quan tiến chức, Lưu Quang Minh đã qua lại lén lút với 40 quan chức cấp trên. Để lấy lòng các người tình, bà ta đã nhiều lần tới Hong Kong và nhiều nơi khác để phẫu thuật thẩm mỹ, tiêu tốn hơn 5 triệu NDT (17,5 tỉ đồng), trong đó chỉ tính riêng phẫu thuật thẩm mỹ vòng ba đã tốn hơn 500.000 NDT (1,75 tỉ đồng).
Trang Bách khoa toàn thư Baidu viết rằng "vẻ đẹp nhân tạo" đã trở thành “vốn quý” của Lưu Quang Minh. Chỉ trong vài năm, bà ta từ chỗ chỉ là một phó phòng bình thường đã nhảy lên vị trí Cục trưởng Cục Thuế vụ thành phố An Sơn.
Lưu Quang Minh trước (trái) và sau nhiều lần phẫu thuật làm đẹp (phải).
Được biết, câu chuyện của Lưu Quang Minh thậm chí đã trở thành tài liệu giáo khoa của các cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát của Trung Quốc.
Khi các cơ quan kiểm tra kỷ luật tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho những người đứng đầu hoặc cán bộ cơ quan các cấp, họ thường trích dẫn trường hợp của Lưu Quang Minh với lời thuyết minh “để dụ dỗ các quan chức bằng sự thu hút giới tính của mình, bà ta đã tạo cho mình vòng ba đẹp nhất thành phố An Sơn".
Muôn kiểu tham nhũng để làm đẹp…
Thẩm Chí Lợi, cựu phó hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Bắc Phương, một năm trước bị kết tội hối lộ và bị kết án sơ thẩm 10 năm tù. Nhân viên của Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Thành phố Bắc Kinh cho biết hồ sơ tiêu xài của Thẩm Chí Lợi tại các cơ sở làm đẹp đã được xác minh lên tới hơn 4,5 triệu NDT (15,75 tỉ đồng), trong đó lần chi tiêu cao nhất là 690.000 NDT (khoảng 2,41 tỉ đồng).
Hứa Ái Liên, cựu thị trưởng thành phố Mãn Châu Lý, Khu tự trị Nội Mông, sống xa hoa và thích làm đẹp. Trong suốt một thời gian dài, nữ tham quan đã nhận tiền của chủ một doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi trong công việc làm ăn. Doanh nghiệp này đã hối lộ tổng cộng 2 triệu NDT (7 tỉ đồng), đồng thời phục vụ nhiều nhu cầu làm đẹp của Hứa Ái Liên: tiêm tế bào gốc trung mô, mỗi mũi tiêm tế bào gốc để làm đẹp có giá 150.000 NDT (525 triệu đồng).
Hứa Ái Liên đang thụ án 11 năm tù (Ảnh: Toutiao).
Nhật báo Kiểm sát tiết lộ thêm thông tin, Hứa Ái Liên còn thản nhiên nhận số đông trùng hạ thảo trị giá 174.000 NDT (608 triệu đồng) từ các chủ doanh nghiệp, đồng thời nhận dịch vụ làm đẹp do các chủ doanh nghiệp này tặng.
Tháng 5/2018, Hứa Ái Liên đi máy bay đến Thượng Hải để được tiêm tế bào gốc trung mô lần đầu tiên. Vào tháng 10, bà ta nghe tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật và Giám sát đang điều tra mình, vội hoảng sợ liên lạc với kẻ đưa hối lộ để hoàn trả số tiền nhưng vẫn không thoát. Bà bị truy tố và kết án 11 năm tù.