Mỹ đứng ngoài nhiều vấn đề lớn của thế giới?
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ bị cho là đứng ngoài trong nhiều vấn đề quốc tế lớn, so với các chính quyền trước đây.
Tuần trước, các tin tức nói tổng thống Nga và Pháp cùng kêu gọi ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh đã làm “đau lòng” Carey Cavanaugh, cựu đại sứ Mỹ được giao nhiệm vụ giúp giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.
Một phần là vì cuộc tranh chấp kéo dài hàng thế kỷ đã bùng phát trở lại, giết chết hơn 400 người cho đến nay, trong đó có hơn một chục thường dân. Nhưng đó cũng là bởi vì Mỹ - cùng với Pháp và Nga, thành lập Nhóm OSCE Minsk để chấm dứt xung đột kể từ năm 1993 - không phải là một bên trong tuyên bố. “Mỹ đã không phối hợp trong cuộc thảo luận đó,” Cavanaugh, cựu đại diện của Mỹ tại Nhóm OSCE Minsk, nói với Guardian.
Ông là một trong những nhà quan sát về tình hình ở khu vực Caucasus nhìn thấy các sự kiện trong tuần qua là ví dụ mới nhất về việc Mỹ rút lui khỏi các sân khấu chính trị - ngoại giao trên toàn thế giới, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về việc Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Donald Trump bị “rỗng ruột”.
Thomas de Waal, một thành viên cấp cao chuyên về Caucasus của tổ chức nghiên cứu Carnegie Europe, nói: “Người Mỹ đã rút khỏi vấn đề này. Nếu ông Trump đã nghe nói về Azerbaijan, đó là vì đó là nơi ông ấy muốn xây dựng một tòa tháp Trump ở đó”.
Chính quyền của ông Trump hầu như im lặng về cuộc xung đột Nagorno- Karabakh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ bình luận khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn tuần này và ông không cam kết gì. Ông Pompeo nói với Fox News: “Quan điểm của chúng tôi: đây là xung đột kéo dài giữa hai quốc gia tại một vùng đất cụ thể. Chúng tôi không khuyến khích quốc tế hóa vấn đề này. Chúng tôi nghĩ rằng, những người ngoài cuộc nên tránh xa. Chúng tôi đang thúc giục một lệnh ngừng bắn. Chúng tôi đã nói chuyện với lãnh đạo hai quốc gia, đề nghị họ làm điều đó”.
Dưới thời chính quyền Trump, Mỹ đã lùi bước trong nhiều vấn đề quốc tế lớn, so với các chính quyền trước đó, đặc biệt khi vấn đề nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Ông Trump đã luôn né tránh những tuyên bố có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin khó chịu.
Sự thiếu quan tâm của Mỹ đối với Nagorno-Karabakh lần đầu tiên được thể hiện vào tháng 8/2017 khi Mỹ bổ nhiệm đại diện mới tại Nhóm Minsk, Andrew Schofer, nhưng không cấp tư cách đại sứ khiến ông ở vị trí thấp hơn so với các đồng nghiệp Pháp và Nga.
Ông Cavanaugh nói rằng trong một cuộc tranh chấp khu vực cân bằng và phức tạp, quyết định đó có nguy cơ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực ngoại giao ủy quyền. “Duy trì sự bình đẳng đó là quan trọng, bởi vì điều đó mang lại cho Armenia và Azerbaijan cảm giác cân bằng. Bạn không cần phải lo lắng rằng Nga đang có ảnh hưởng quá mức [trong nhóm] hoặc Mỹ”.
Các đại sứ quán Mỹ tại Azerbaijan và Armenia đều đưa ra lời khuyến cáo đi lại đối với công dân của họ, cảnh báo về khả năng bạo lực gia tăng ở Nagorno-Karabakh. “Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đưa ra tuyên bố nói rằng họ lo ngại về cuộc xung đột,” ông de Waal nói và mô tả việc này là “mất tích khi làm nhiệm vụ”.