Mỹ dùng Starlink đàm phán thỏa thuận đất hiếm với Ukraine

Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Mỹ dùng quyền tiếp cận dịch vụ internet vệ tinh Starlink để gây sức ép với Ukraine trong nỗ lực đàm phán thỏa thuận đổi đất hiếm lấy bảo đảm an ninh.

Khả năng Ukraine tiếp tục sử dụng Starlink được nêu ra trong cuộc thảo luận giữa quan chức hai nước, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối đề xuất thỏa thuận mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trình bày vào tuần trước. Theo nguồn tin, ở lần gặp gỡ ngày 20.2, đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg cảnh báo Ukraine sẽ mất quyền tiếp cận dịch vụ internet vệ tinh nếu thỏa thuận đổi đất hiếm lấy bảo đảm an ninh không đạt được.

Starlink trở thành quân bài đàm phán của Mỹ - Ảnh: Reuters

Starlink trở thành quân bài đàm phán của Mỹ - Ảnh: Reuters

“Ukraine xem Starlink như ngôi sao phương bắc (ý chỉ đóng vai trò rất quan trọng) của mình. Mất Starlink là một đòn giáng mạnh”, nguồn tin chia sẻ.

Được điều hành bởi công ty hàng không vũ trụ SpaceX, Starlink cung cấp internet thông qua mạng lưới vệ tinh cho phép binh lính và công dân Ukraine duy trì tình trạng trực tuyến trong khi Nga nhắm mục tiêu vào hạ tầng thông tin liên lạc truyền thống.

Thăm Kyiv vào tuần trước, Bộ trưởng Bessent trình bày dự thảo thỏa thuận đòi hỏi sở hữu đến 50% lượng đất hiếm cũng như một số tài nguyên khác trong thời gian dài. Đòi hỏi quá cao cộng thêm việc Mỹ không nêu đảm bảo an ninh cụ thể khiến Tổng thống Zelensky từ chối ký kết mà cố đàm phán lại. Ngày 21.2, nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố hai nước vẫn đang đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh ông muốn thấy thỏa thuận sớm được ký kết.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk (người đứng đầu SpaceX) rất sốt sắng cung cấp Starlink lúc cuộc chiến mới nổ ra. Tuy nhiên ông từng hạn chế quyền truy cập ít nhất một lần do bất đồng cách Kyiv tác chiến.

Đất hiếm gồm 17 kim loại có tính chất hóa học tương tự nhau, do sở hữu từ tính và cách thức phản ứng với ánh sáng đặc biệt nên được sử dụng rộng rãi cho xe điện, tua bin gió cùng nhiều thiết bị điện tử. Chúng không quá hiếm như tên gọi nhưng lại khó khai thác vì hầu hết các mỏ, đất hiếm đều có chất lượng lẫn nồng độ thấp. Nhu cầu tăng cao khiến các quốc gia quyết liệt chạy đua đa dạng hóa nguồn cung. Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính nhu cầu đất hiếm năm 2040 sẽ gấp 7 lần hiện tại.

Riêng lithium rất được thèm khát vì các ngành công nghệ cao đều cần đến. Mỹ ước tính Ukraine có trữ lượng khoảng 500.000 tấn, còn Nga có gấp đôi.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-dung-starlink-dam-phan-thoa-thuan-dat-hiem-voi-ukraine-229600.html