Mỹ duyệt gói viện trợ 'khủng' cho Kiev, Nga ra điều kiện mở cảng ở Biển Đen
Thượng viện Mỹ hôm 19/5 đã bỏ phiếu thông qua gói viện trợ mới trị giá gần 40 tỷ USD cho Ukraine, và sẽ gửi dự luật tới Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Với tỷ lệ 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua gói viện trợ khẩn cấp về quân sự, kinh tế và nhân đạo được xem là lớn nhất từ trước đến nay dành cho Ukraine.
Theo hãng thông tấn Reuters, sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ nhấn mạnh mong muốn của các nhà lập pháp của nước này trong việc hỗ trợ nỗ lực kháng cự của Ukraine trước các lực lượng Nga, mà không cần sự can thiệp trực tiếp từ quân đội Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Biden cùng ngày đã công bố thêm gói viện trợ vũ khí và các thiết bị quân sự trị giá 100 triệu USD cho Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ ở Kiev hồi tháng 4. Ảnh: Reuters
“Điều này đưa tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên tới khoảng 3,9 tỷ USD, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này vào ngày 24/2”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.
Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã gửi lời cảm ơn tới Thượng viện Mỹ, và cho biết số tiền này sẽ giúp đảm bảo Ukraine duy trì cuộc chiến chống lại Nga. "Chúng tôi đang tiến tới chiến thắng một cách tự tin và mang tính chiến lược", ông Yermak viết trong một bài đăng trực tuyến chỉ vài phút sau khi gói cứu trợ được bỏ phiếu thông qua.
Cũng trong ngày 19/5, một bản thảo thông cáo từ các nước G7 được hãng thông tấn Reuters tiết lộ cho biết, lãnh đạo các nước trong nhóm đã đồng ý thông qua gói hỗ trợ 18,4 tỷ USD cho Ukraine.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong suốt cuộc chiến này và hơn thế, cũng như sẵn sàng làm nhiều việc hơn nữa nếu cần thiết”, thông cáo viết.
G7 cũng hoan nghênh đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc cho Ukraine vay 9 tỷ Euro. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các đối tác tham gia cùng chúng tôi trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi lâu dài của Ukraine, và đảm bảo các nỗ lực tái thiết chung sẽ được phối hợp chặt chẽ, trong đó có cả sự phối hợp giữa chính quyền Ukraine với các tổ chức tài chính quốc tế”, thông cáo cho biết thêm.
Nga ra điều kiện gỡ phong tỏa các cảng ở Biển Đen
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin hôm 19/5 đã công bố danh sách các quốc gia "không thân thiện", được xếp hạng theo số lượng lệnh trừng phạt mà các nước áp đặt với Moscow.
Theo danh sách "quốc gia không thân thiện" được ông Volodin công bố trên mạng xã hội, Mỹ đứng đầu với 1.983 lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Các vị trí tiếp theo là Canada, Thụy Sĩ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) với tư cách thực thể duy nhất, Australia và Nhật Bản.
"Bằng cách áp đặt những biện pháp trừng phạt bất hợp pháp nhắm vào Nga, các quốc gia này đã khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt", ông Volodin cho hay. "Đó là những thủ phạm chính đằng sau rắc rối hiện tại và những cuộc khủng hoảng trong tương lai trên khắp thế giới. Họ phải chịu trách nhiệm cho việc vật giá tăng chóng mặt trên toàn cầu".
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Sputnik
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 18/5 cho rằng chiến sự tại Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo do giá cả leo thang. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế đối với thực phẩm và phân bón từ Nga và Belarus để tránh gây ra một cuộc khủng hoảng lớn.
David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, còn kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhanh chóng nới phong tỏa các hải cảng của Ukraine trên Biển Đen để tránh đẩy hàng triệu người trên thế giới vào nạn đói.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko tuyên bố Moscow chỉ cân nhắc việc cho phép tiếp cận các hải cảng của Ukraine trên Biển Đen, nếu việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt Nga cũng được cân nhắc.
“Các vị không chỉ cần phải thỉnh cầu Liên bang Nga, mà còn phải nhìn sâu vào sự phức tạp của các lý do gây ra cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Ngay ví dụ đầu tiên là các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU đã áp đặt đối với Nga. Điều này đã can thiệp vào quá trình tự do thương mại thông thường, bao gồm việc vận chuyển các thực phẩm như lúa mì, phân bón và các sản phẩm khác”, Thứ trưởng Rudenko cho biết, theo hãng thông tấn Interfax.
Ukraine phát lệnh truy nã cựu Tổng thống Yanukovych
Tòa án quận Pechersk ở thủ đô Kiev (Ukraine) đã phát lệnh truy nã cựu Tổng thống Viktor Yanukovych với cáo buộc đưa người vượt biên trái phép từ cách đây 8 năm. Tòa án quyết định áp dụng biện pháp xử lý dưới hình thức giam giữ đối với ông Yanukovych.
Cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Ảnh: Reuters
Hiện chưa rõ ông Yanukovych đang ở đâu. Theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine, cựu tổng thống 71 tuổi được cho là đã đến thành phố Anapa. Trong khi đó, hãng thông tấn Ukrinform hồi tháng 3 đưa tin ông Yanukovych đang ở thủ đô Minsk (Belarus).
Viktor Yanukovych là Tổng thống Ukraine từ năm 2010 đến năm 2014.