Mỹ, EU cảnh báo hậu quả với Kosovo
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 7-6 yêu cầu Kosovo lùi bước trong cuộc đối đầu căng thẳng với người Serbia ở phía Bắc nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả từ các đồng minh phương Tây lâu năm.
Phát biểu trước truyền thông Kosovo, Đặc phái viên Mỹ về Tây Balkan Gabriel Escobar nói rằng nếu muốn tiến gần hơn đến việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU, Kosovo phải trao quyền tự trị nhiều hơn cho các thành phố có đa số người Serbia.
Theo ông Escobar, quyết định từ phía Kosovo có thể gây ra một số hậu quả ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Kosovo và Mỹ.
Ông Escobar và phái viên EU về đối thoại Serbia - Kosovo Miroslav Lajcak - không nói chi tiết về những hậu quả khác mà chính phủ do người Albania chiếm đa số của Thủ tướng Kosovo Albin Kurti phải đối mặt nếu không tuân theo yêu cầu.
Ông Lajcak trước đó cho biết các phái viên đã trình bày các đề xuất với Thủ tướng Kurti để giảm leo thang căng thẳng ở miền Bắc Kosovo, đồng thời cho biết họ đã có một "cuộc thảo luận kéo dài, thẳng thắn và khó khăn".
Reuters đưa tin lời cảnh báo được đưa ra khi các đặc phái viên của Mỹ và EU kết thúc chuyến thăm tới Kosovo và Serbia để xoa dịu căng thẳng bùng phát thành bạo lực vào tuần trước, khiến ít nhất 34 binh sĩ thuộc phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO và người biểu tình Serbia ở phía Bắc Kosovo bị thương.
Mỹ và EU đã kêu gọi Thủ tướng Kosovo rút các thị trưởng gốc Albania, kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử địa phương mới ở phía Bắc Kosovo với sự tham gia của người Serbia. Bên cạnh đó, Kosovo cần thực hiện thỏa thuận năm 2013 nhằm thiết lập một hiệp hội các đô thị phía Bắc Kosovo để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người Serbia.
Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani nói với Reuters rằng nước này có thể tổ chức các cuộc bầu cử mới ở các thành phố tự trị đó nếu 20% cử tri ký vào đơn thỉnh cầu.
Một quan chức cấp cao ở Kosovo cho biết các quốc gia phương Tây đã cảnh báo Thủ tướng Kosovo rằng nước này có thể phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt.
Tuần trước, Mỹ đình chỉ Kosovo tham gia cuộc tập trận Defender 23. Đây là động thái trừng phạt Kosovo liên quan đến việc bổ nhiệm các thị trưởng người sắc tộc Albania, làm gia tăng căng thẳng với cộng đồng người Serbia.
Theo hãng tin Reuters, bạo lực bùng phát sau khi chính quyền Kosovo bổ nhiệm các thị trưởng gốc Albania vào các văn phòng địa phương. Người gốc Serbia tại Kosovo tẩy chay cuộc bầu cử hồi tháng 4 tại miền Bắc vùng ly khai, vốn cho phép quan chức gốc Albania kiểm soát các hội đồng địa phương dù tỉ lệ cử tri đi bầu chưa đến 3,5%.
Không lâu sau đụng độ giữa người Serbia với cảnh sát Kosovo và lực lượng NATO nổ ra trước tòa nhà hành chính của thị trấn Zvecan, hàng trăm lính NATO được tăng viện cho lực lượng gìn giữ hòa bình của liên minh ở Kosovo.
NATO có khoảng 4.000 quân ở Kosovo và quyết định triển khai thêm 700 binh sĩ từ lực lượng dự bị tác chiến tới phía Tây Balkan.