Mỹ, EU và NATO tiếp tục viện trợ vũ khí, đạn dược cho Ukraine
Mỹ, liên minh châu Âu (EU) và NATO tiếp tục cung cấp vũ khí, đạn dược nhằm giúp Ukraine phản công trong xung đột với Nga.
Giới chức Mỹ hôm qua (3-5) công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD, trong đó có nhiều loại đạn dược phục vụ đợt phản công của Ukraine.
AP mô tả gói viện trợ mới cho Ukraine có liều thuốc nổ chuyên phá hủy chướng ngại vật, tên lửa phóng từ máy bay Hydra-70 và cho pháo phản lực HIMARS, lựu pháo và đạn 155 mm, đạn súng cối các cỡ, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, súng chống tăng AT-4 và cả vũ khí Carl Gustaf cùng đạn dược.
Gói viện trợ 300 triệu USD được công bố sau khi Ukraine tuyên bố sắp chuẩn bị xong và sẵn sàng phản công "khi có ý muốn của Chúa, thời tiết thuận lợi và các chỉ huy ra quyết định".
Tính cả gói viện trợ mới nhất đã nâng tổng hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên hơn 35,7 tỉ USD sau khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2 năm ngoại.
"Chính phủ Mỹ trong vài tháng qua thực hiện công việc quy mô lớn nhằm đáp ứng yêu cầu của Ukraine trước chiến dịch phản công theo kế hoạch" - Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết.
Để thực hiện chiến dịch phản công nhằm giành lại phần lãnh thổ đã bị chiếm đóng hoặc sáp nhập vào Nga, đòi hỏi Ukraine cần nhiều hơn vũ khí và đạn dược.
Thực tế, phía Kiev thời gian qua liên tục lên tiếng yêu cầu Mỹ và các đồng minh cung cấp cho họ vũ khí và đạn dược "càng sớm và càng nhiều càng tốt".
Trong bối cảnh đó, EU đã công bố kế hoạch mới nhằm tăng cường sản xuất đạn dược quy mô lớn. Mục đích của kế hoạch không chỉ cung cấp cho Ukraine mà còn làm tăng vị thế địa chính trị của khối.
Ông Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội khối, hôm 3-5 cho biết muốn dùng 1,1 tỉ USD để hỗ trợ sản xuất đạn dược "càng sớm càng tốt" với mục tiêu cung cấp cho Ukraine và bổ sung vào kho dự trữ của các nước thành viên. Các quỹ của EU sẽ hỗ trợ một nửa số tiền, phần còn lại do các quốc gia thành viên đồng tài trợ."
"Khối 27 quốc gia EU hiện muốn sản xuất đạn dược với tốc độ kỷ lục khi xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp tục leo thang" – hãng AP dẫn lời ông Breton.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh: "Đây là một phần quan trọng trong năng lực chiến lược của châu Âu để bảo vệ các lợi ích và giá trị của mình, đồng thời giúp duy trì hòa bình trên lục địa của chúng ta".
Ngoài các cam kết tăng cường sản xuất, EU đã chuyển đạn dược từ kho dự trữ của các thành viên cho Ukraine.
Bên cạnh đạn dược, 31 quốc gia NATO (phần lớn là các nước EU) và các nước đối tác khác đã cung cấp hơn 98% phương tiện chiến đấu đã hứa cho Ukraine, trong bối cảnh xung đột với Nga đang tiếp diễn.
"Cùng với hơn 1.550 xe bọc thép, 230 xe tăng và các thiết bị khác, các đồng minh của Ukraine đã gửi cho họ "một lượng lớn đạn dược", đồng thời huấn luyện và trang bị cho hơn 9 lữ đoàn mới của Ukraine" - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước cho biết.