"Binh sĩ thuộc căn cứ liên hợp Charleston (JBC) và căn cứ không quân thủy quân lục chiến Beaufort đã phát hiện bãi mảnh vỡ của chiếc F-35B ở hạt Williamsburg, cách Charleston khoảng hai giờ đi xe về phía đông bắc. Đây là kết quả sau đợt tìm kiếm với sự phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương", Căn cứ JBC đăng thông báo hôm 18/9.
Quyền chỉ huy hoạt động tìm kiếm và thu hồi tiêm kích đã được bàn giao cho thủy quân lục chiến Mỹ.
"Người dân nên tránh xa khu vực trong lúc các binh sĩ thị sát và bảo đảm an ninh tại bãi mảnh vỡ", thông báo của JBC có đoạn.
Một tiêm kích tàng hình F-35B thuộc Phi đoàn Huấn luyện Tấn công Thủy quân lục chiến số 501 (VMFAT-501) hôm 17/9 mất tích tại khu vực Beaufort, bang Nam Carolina trong sự cố hy hữu.
Phi công phóng ghế thoát hiểm trong khi tiêm kích đang ở trong chế độ tự lái, khiến phi cơ tiếp tục hành trình ngay cả khi không ai điều khiển.
Ngay sau khi phi cơ rơi, vì là loại vũ khí công nghệ cao, Mỹ đã ra sức tìm kiếm xác máy bay để tránh rò rỉ công nghệ.
Thủy quân lục chiến Mỹ sau đó thừa nhận họ không xác định được vị trí phi cơ lao xuống.
Nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay khó khăn đến mức quân đội Mỹ phải kêu gọi người dân cung cấp thông tin nếu phát hiện dấu về chiếc F-35B.
"F-35B là máy bay tàng hình và khó theo dõi hơn nhiều so với phi cơ thông thường. Bộ phát đáp tín hiệu, vốn có nhiệm vụ thông báo vị trí máy bay, đã ngừng hoạt động vì nguyên nhân nào đó mà chúng tôi chưa thể xác định. Đây là lý do chúng tôi phải kêu gọi người dân giúp đỡ", phát ngôn viên JBC Jeremy Huggins nói.
Tiêm kích F-35 thường lắp thiết bị tăng độ phản xạ radar trong lúc huấn luyện và tuần tra, cho phép các hệ thống cảm biến đồng đội phát hiện chúng để bảo đảm an toàn trên không.
Trong gia đình tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35, thì phiên bản F-35B là phức tạp nhất.
Phiên bản này được thiết kế để có thể cất hạ cánh thẳng đứng như máy bay trực thăng. Hiện chiến đấu cơ này đang được Mỹ đưa tới khu vực Thái Bình Dương.
Hình ảnh động cơ Pratt & Witney F-135-600 của phiên bản tiêm kích cất cánh đường bắn ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B.
Với việc cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng cho phép F-35B có thể hoạt động trên các tàu đổ bộ trực thăng.
Ngay cả các quốc gia tuy không có biển, nhưng vẫn có thể triển khai loại chiến đấu cơ này, để hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt và các sân bay bị đánh phá.
Chính tính năng độc đáo này khiến Mỹ phải liên tục chi bộn tiền để giải quyết các lỗi kỹ thuật phát sinh trước khi thành công và đưa F-35B vào trực chiến.
Với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, những chiếc tiêm kích tàng hình F-35B đang trở thành "xương sống" của thủy quân lục chiến Mỹ, hải quân Anh và hải quân Nhật Bản.
Hiện những chiếc F-35B Lightning II đang có giá vào khoảng 135,8 triệu USD, đây cũng là phiên bản đắt nhất trong gia đình chiến đấu cơ F-35.
Dù mới được biên chế chưa lâu, nhưng những chiếc F-35B của Mỹ đã tích cực tham gia trong các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu cùng đồng minh, cũng như thực chiến.