Mỹ ghép thận lợn cho người thành công
Lần đầu tiên một quả thận lợn đã được cấy ghép vào cơ thể người mà không gây phản ứng đào thải của người tiếp nhận.
Đây là một tiến bộ lớn mở ra viễn cảnh giảm bớt sự thiếu hụt nghiêm trọng nội tạng người để cấy phép.
Thí nghiệm được tiến hành trên một bệnh nhân bị chết não, người đã đăng ký hiến tạng và được gia đình bệnh nhân chấp thuận, theo The New York Times đưa tin. Trong 3 ngày, quả thận mới đã được ghép với mạch máu của nữ bệnh nhân này và được duy trì bên ngoài cơ thể, cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận và theo dõi.
Mặc dù thận không được cấy ghép vào bên trong cơ thể, quy trình này vẫn cho phép nhóm nghiên cứu xem xét liệu cơ quan có bị chối bỏ ngay lập tức hay không.
So với nội tạng các loài linh trưởng, nội tạng lợn mang lại một số lợi thế cho việc cấy ghép. Lợn là loài gia súc phổ biến, sinh sản nhiều lứa trong thời gian mang thai ngắn và phát triển các cơ quan nội tạng rất giống con người.
Nhưng có một trở ngại lớn: Các mô của lợn mang một gen mã hóa một phân tử đường được gọi là alpha-gal, thứ có thể kích thích hệ thống miễn dịch của con người và dẫn tới phản ứng đào thải.
Vì vậy, trong thí nghiệm cấy ghép được tiến hành vào tháng trước, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thận của một con lợn biến đổi gen thiếu gen sản xuất phân tử đường này. Và như một tuyến phòng thủ bổ sung, các bác sĩ phẫu thuật cũng cấy ghép tuyến ức của lợn - một cơ quan nhỏ sản sinh ra các tế bào miễn dịch - vào cơ thể người bệnh để giảm nguy cơ cơ thể từ chối thận lợn.
“Nó có chức năng hoàn toàn bình thường”, Tiến sĩ Robert Montgomery, người dẫn đầu nhóm phẫu thuật tại Bệnh viện NYU Langone Health ở thành phố New York. Ngay sau khi thận lợn được gắn vào các mạch máu ở cẳng chân của bệnh nhân, nó bắt đầu sản xuất nước tiểu và lọc creatine, một chất thải của chức năng tế bào cơ, từ máu. Hiện tượng đào thải ngay lập tức đã không diễn ra.
“Chúng ta cần biết thêm về tuổi thọ của nội tạng”, Tiến sĩ Drily Segev, Giáo sư phẫu thuật cấy ghép tại Trường Y Johns Hopkins, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với Times.
Hiện tượng đào thải thận vẫn có thể diễn ra rất lâu sau thời điểm được cấy ghép “ngay cả khi không có rào cản về loài”, vì vậy độ bền của việc ghép tạng từ lợn sang người sẽ cần được đánh giá cẩn thận, theo Tiến sĩ David Klassen, Giám đốc Y tế của United Network for Organ Sharing.
Vào năm 2020, hơn 23 nghìn cư dân Mỹ đã được ghép thận và hiện tại có hơn 90 nghìn người Mỹ đang nằm trong danh sách chờ để được ghép thận, theo tờ Times đưa tin. Nhiều bệnh nhân bị suy thận không thể đủ điều kiện để có tên trong danh sách, một phần là do khan hiếm nội tạng cấy ghép.
Con lợn bị biến đổi gen, được đặt tên là GalSafe, được nuôi bởi Revivicor thuộc Tập đoàn United Therapeutics. Nó đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 12/2020 để sử dụng làm thực phẩm cho những người bị dị ứng thịt hoặc là một nguồn tiềm năng của các liệu pháp điều trị cho con người.
Cơ quan này cho biết, các sản phẩm y tế được phát triển từ lợn vẫn cần có sự chấp thuận cụ thể của FDA trước khi được sử dụng trên người. Các nhà nghiên cứu khác đang xem xét liệu lợn GalSafe có thể là nguồn cung cấp các cơ quan khác, từ van tim cho đến ghép da cho bệnh nhân hay không.
Tiến sĩ Montgomery cho biết, thí nghiệm ghép thận ở NYU sẽ mở đường cho các thử nghiệm ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, có thể diễn ra trong một hoặc hai năm tới. Những người tham gia thử nghiệm có thể là những bệnh nhân có cơ hội tiếp nhận thận người thấp và tiên lượng xấu khi chạy thận.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/my-ghep-than-lon-cho-nguoi-thanh-cong-s1y2OiK7g.html