Mỹ gia hạn miễn trừ trừng phạt hợp tác hạt nhân Iran
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-3, giờ Washington, đã quyết định gia hạn các trường hợp miễn trừ trừng phạt đối với các công ty không phải của Mỹ có giao dịch với Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran.
Aljazeera.com cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn miễn trừ trừng phạt hợp tác hạt nhân Iran, theo đó cho phép các doanh nghiệp Nga, Trung Quốc và châu Âu tiếp tục công việc tại các khu vực hạt nhân Iran nhằm hạn chế quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân. Việc gia hạn lệnh miễn trừ này có thời hạn 60 ngày, cho phép tiếp tục các công tác hạn chế sản xuất vũ khí hạt nhân tại lò phản ứng nghiên cứu nước nặng Arak, nhà máy điện hạt nhân Bushehr, lò phản ứng nghiên cứu Tehran và những sáng kiến hợp tác hạt nhân khác. Ngoại trưởng Mike Pompeo là người phê chuẩn quyết định trên.
Trong tuyên bố ngày 31-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định, Washington sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển trong chương trình hạt nhân của Iran và có thể điều chỉnh những hạn chế này bất cứ lúc nào. Bà Morgan Ortagus cũng cáo buộc Iran có hành động “tống tiền hạt nhân” và cam kết rằng Washington không cho phép Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ kinh tế và ngoại giao để hạn chế hành động gây mất ổn định của Iran nhằm phổ biến (các công nghệ hạt nhân)”, bà Ortagus tuyên bố.
Quan hệ giữa Tehran và Washington căng thẳng đến mức khủng hoảng năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Kể từ đó, Washington đã nhiều lần siết chặt trừng phạt Tehran.
Quyết định gia hạn miễn trừ trừng phạt hợp tác hạt nhân Iran được chính quyền Mỹ đưa ra trong bối cảnh Tehran cáo buộc các lệnh trừng phạt của Washington tiếp tục chất thêm gánh nặng lên người dân Iran, vốn đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh, khiến cuộc sống của họ thêm cực khổ và không có nhiều lựa chọn để sinh tồn. Đại sứ Iran tại Madrid (Tây Ban Nha) Hassan Qashqavi cho biết, Iran là nước duy nhất trên thế giới không thể mua được thuốc men và thiết bị y tế từ thị trường toàn cầu do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đại sứ Qashqavi cho rằng, chính các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 của nước cộng hòa Hồi giáo. Theo ông, bất kỳ giao dịch ngân hàng nào cũng đều cần phải được sự cho phép của nhà chức trách Mỹ, vốn đã ngăn chặn và phong tỏa các hãng nước ngoài tham gia vào các giao dịch và hợp tác thương mại với những nước nằm trong danh sách cấm vận của chính quyền Washington.
Các chuyên gia y tế cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng và chưa có dấu hiệu chậm lại ở Iran. Tính đến chiều 31-3, giờ Hà Nội, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Iran đã tăng lên hơn 41.000 người với gần 3.000 người tử vong. Ủy ban phòng, chống dịch Covid-19 của Iran cảnh báo nước này có thể sẽ phải đối phó với dịch bệnh cho đến ít nhất là đầu mùa hè. Trong báo cáo công bố trên tài khoản Instagram, nhà khoa học người Iran, ông Parviz Karami, cho biết 11.000 người có thể sẽ tử vong ở Iran nếu chính phủ áp dụng các biện pháp ứng phó ở mức "trung bình". Con số này có thể sẽ giảm xuống 7.700 người nếu các biện pháp được áp dụng ở mức "tối đa" như cấm di chuyển trong nội thành và áp đặt lệnh cách ly.
Iran là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trên thế giới. Nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch, Chính phủ Iran đã cấm người dân tổ chức các sự kiện nhân Ngày Thiên nhiên (năm nay rơi vào ngày 1-4) ở các công viên và khu vực nông thôn. Cơ quan quản lý dịch bệnh ở Iran cho biết, tất cả các công viên và trung tâm vui chơi giải trí sẽ phải đóng cửa và người dân bị cấm lui tới các khu vực này. Cảnh sát sẽ bắt giữ các trường hợp vi phạm các biện pháp giãn cách xã hội.