Mỹ gia tăng số lượng tên lửa chống hạm phóng từ trên không
Theo Naval News đưa tin, Tập đoàn Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng sản xuất tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM, Long Range Anti-Ship Missiles).
Do nhu cầu của Không quân và Hải quân, Mỹ đang gia tăng số lượng tên lửa chống hạm phóng từ trên không. Tập đoàn Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng sản xuất tên lửa chống hạm tầm xa. Hợp đồng mới trị giá 414 triệu đô la.
Đây cũng là hợp đồng lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của chương trình LRASM. Theo thỏa thuận, Lockheed Martin sẽ sản xuất tên lửa chống tàu phóng từ trên không cho máy bay chiến đấu trên tàu sân bay F/A-18E/F và máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer. Số lượng tên lửa đặt hàng không được công bố.
Lô tên lửa “thông minh” AGM-158C đầu tiên với số lượng 23 chiếc được Không quân Mỹ đặt hàng vào năm 2017.
Tên lửa AGM-158C LRASM (Long Range Anti-Ship Missile – Tên lửa chống hạm tầm xa) do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển và sản xuất cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Công việc chế tạo tên lửa hành trình LRASM bắt đầu vào năm 2009, đến năm 2014 tên lửa này được đưa vào trang bị trên một số tàu của Hải quân Hoa Kỳ và các biến thể dùng cho máy bay được thông qua năm 2019.
Tên lửa LRASM mang đầu đạn nặng 450 kg và có thể bắn xa tới 930 km. AGM-158C được trang bị động cơ tuabin phản lực cánh quạt Williams International F107-WR-105, cung cấp cho nó khả năng cơ động ở tốc độ cận âm (một phiên bản siêu thanh của tên lửa cũng đã được phát triển, nhưng dự án này đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối).
Tên lửa mới có hình dạng và lớp phủ đặc biệt giúp giảm khả năng phát hiện của radar, đồng thời được trang bị các cảm biến cho phép chúng phát hiện và xác định mục tiêu một cách độc lập trong một khoảng vuông nhất định, cũng như tương tác với các tên lửa khác trong phân chia mục tiêu với nhau.