Mỹ gia tăng sức ép tối đa với Iran - Đồng minh Đức công khai phản đối
Giữa căng thẳng Mỹ-Iran leo thang, Đức công khai phản đối sáng kiến thành lập liên minh hải quân quốc tế tuần tra đảm bảo an ninh vùng Vịnh của Mỹ.
Hôm qua (31/7), Mỹ đã chính thức áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif. Cùng với các lệnh trừng phạt kinh tế, sự gia tăng sức ép về mặt quân sự, đòn trừng phạt mới của Mỹ đã lan sang cả lĩnh vực ngoại giao, cho thấy căng thẳng đang ngày 1 gia tăng giữa 2 bên.
Để viện dẫn lý do trừng phạt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm qua (31/7) tuyên bố, đã thực hiện những chính sách “liều lĩnh”, “không thể chấp nhận được” của Lãnh đạo tối cao Iran – Đại giáo chủ Ali Khamenei. Theo đó, Mỹ sẽ đóng băng mọi tài sản của ông Javad Zarif tại Mỹ và cấm các cá nhân và thực thể Mỹ có quan hệ với ông Zarif hoặc không họ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt hạn chế đi lại đối với vị quan chức Iran này.
Phản ứng về động thái mới của Mỹ, trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định, ông không có bất kỳ tài sản hay lợi ích nào bên ngoài Iran, do đó các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến ông cũng như gia đình. Trong khi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ngoại trưởng nước này xuất phát từ sự lo ngại về “kĩ năng đàm phán” của ông Zarif.
Theo giới phân tích, việc áp đặt trừng phạt lên nhà ngoại giao hàng đầu Iran đang cho thấy sự bế tắc về 1 cơ hội đàm phán giữa Mỹ và Iran trong tương lai gần. Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Mỹ Chris Murphy, cho rằng, nếu Mỹ thực sự muốn đàm phán với Iran, lẽ ra Mỹ không nên áp đặt lệnh trừng phạt lên “nhà đàm phán chính” của họ.
Thực tế, dù cả Mỹ và Iran đều đã lên tiếng muốn đàm phán với nhau, song đến nay, những điều kiện tiên quyết mà mỗi bên đưa ra vẫn chưa được đối tác còn lại chấp thuận. Hiện Mỹ đang muốn đàm phán với Iran về mọi lĩnh vực, từ vấn đề hạt nhân, chương trình tên lửa đạn đạo cho đến sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Trong khi Iran cho rằng, chương trình tên lửa phòng thủ của nước này không phải là vấn đề có thể đem ra thảo luận. Cộng thêm, Iran chỉ chấp nhận đối thoại khi Mỹ gỡ bỏ mọi trừng phạt nhằm vào nước này, thể hiện sự tôn trọng với Tehran và ngừng gia tăng sức ép.
Liên quan đến căng thẳng đang ngày 1 gia tăng giữa Mỹ và Iran, hôm 31/7, Đức - 1 đồng minh lớn của Mỹ, cũng đã lên tiếng không ủng hộ việc Mỹ sử dụng sức ép tối đa để giải quyết căng thẳng với Iran. Theo đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của Mỹ về việc để tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải tại vùng Vịnh.
“Đức sẽ không tham gia vào nhiệm vụ hải quân theo kế hoạch do Mỹ đưa ra. Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các đối tác Pháp. Chúng tôi coi chiến lược gây áp lực tối đa là sai lầm. Chúng tôi không muốn leo thang quân sự và sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao.”
Ngoại trưởng Đức khẳng định, Đức và nhiều nước tin rằng, giải pháp ngoại giao là cách duy nhất để tháo gỡ căng thẳng tại vùng Vịnh hiện nay, chứ không phải là quân sự./.