Mỹ giúp gì được Đài Loan trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc?
Mỹ sẽ sử dụng ảnh hưởng toàn cầu của mình để tăng cường quốc phòng, hiện diện quốc tế và đẩy mạnh kinh tế cho Đài Loan nhằm giúp đảo đối phó với Trung Quốc.
Washington sẽ sử dụng ảnh hưởng toàn cầu, hợp tác cùng các liên minh của mình để tăng cường quân sự, sự hiện diện quốc tế và đẩy mạnh kinh tế cho Đài Loan trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn quan trọng nhằm chống lại một Trung Quốc đang "ngày càng hung hăng", các quan chức chính quyền Mỹ nói với quốc hội hôm 17.6.
Ông Jonathan Fritz, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan cho biết Mỹ đang thực hiện các bước để đảm bảo rằng Đài Loan có thể tự bảo vệ mình trước một cuộc xâm lược.
Ông Fritz cũng khuyên Đài Loan sử dụng chiến lược “Con nhím” (Porcupine Strategy) để cho phép đảo này tìm cách chống lại các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh thay vì cố gắng phá hủy các hệ thống vũ khí của họ.
Để đối phó với sự phong tỏa lâu dài có thể xảy ra, Đài Loan nên tích trữ các vật liệu quan trọng và thiết lập cơ sở hạ tầng để đảm bảo có thể đáp ứng nhu cầu của công dân trong một thời gian dài hơn mà không cần sự can thiệp ngay lập tức của Mỹ. Bằng cách này, mặc dù Trung Quốc có thể tấn công, nhưng không thể đánh bại hoàn toàn Đài Loan.
Trình bày trước tiểu ban của Thượng viện về Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế, các quan chức Mỹ khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự tham gia của Đài Loan vào Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo Đài Loan năm 2016, số lượng các nước công nhận Đài Loan đã giảm nhanh chóng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường ảnh hưởng ngoại giao.
Bắc Kinh đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm cô lập Đài Loan và thuyết phục các nước ủng hộ Đài Loan thay đổi quan điểm. Đài Bắc hiện có 15 nước công nhận chính thức, chủ yếu là các quốc gia Trung Mỹ, vùng Caribe và một số quốc đảo tại Thái Bình Dương - những khu vực trước đây chỉ có quan hệ kinh tế hạn chế với Trung Quốc.
Giới chức Mỹ cho biết họ đặt mục tiêu giúp Đài Loan có được một ghế tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). “Đài Loan xứng đáng có được tiếng nói”, Erica Barks-Ruggles, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu.
“Việc tách Đài Loan ra khỏi Đại hội đồng Y tế thế giới vào tháng trước dưới áp lực từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã làm suy yếu tất cả chúng ta. Rõ ràng là còn nhiều việc phải làm”, bà Barks-Ruggles nói thêm.
Theo các quan chức Mỹ, những chính sách của Trung Quốc đang làm rất khó thuyết phục 24 triệu người Đài Loan để tin rằng họ nên chấp nhận sự thống nhất.
“Rõ ràng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hứa hẹn về mức độ tự trị cao cho Hồng Kông và duy trì các quyền tự do dân sự, nhưng Bắc Kinh đã hoàn toàn bị mất uy tín trong năm ngoái, đặc biệt là kể từ khi họ đơn phương ban hành luật an ninh quốc gia.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những người ở Đài Loan, những người có thể đã từng suy nghĩ về hình thức "một nước hai chế độ" giờ đây nhận thấy đó là một triển vọng hoàn toàn không có lợi trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng”, ông Fritz nói.
Bắc Kinh từ lâu đã khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ “không thể tách rời” và cảnh báo không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất.
Mặc dù không còn quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng Washington vẫn duy trì mối quan hệ thương mại, văn hóa với vùng lãnh thổ này theo Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979. Theo quy định của đạo luật, Mỹ những năm qua cung cấp vũ khí để giúp Đài Loan duy trì năng lực phòng vệ.
Đạo luật không đảm bảo Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, nhưng cũng không nêu rõ là Washington sẽ không làm điều đó. Đây được coi là chính sách “mơ hồ chiến lược” giúp ổn định quan hệ xuyên eo biển Đài Loan.
Đáng chú ý, Thượng nghị sĩ Josh Hawley, một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, hôm 11.6 đã trình dự luật "Phòng thủ Đài Loan" trước quốc hội Mỹ, trong đó ông cảnh báo nếu Trung Quốc chiếm được đảo Đài Loan, cả khu vực sẽ bị Bắc Kinh khống chế, đồng thời nhấn mạnh Lầu Năm Góc phải đánh bại "cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan". Dự luật của ông Hawley nhắm tới việc từ bỏ "sự mơ hồ chiến lược" của Mỹ xung quanh vấn đề Đài Loan.
Chưa đầy một tuần sau khi ông Hawley giới thiệu dự luật trên, hai nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa là Ami Bera và Steve Chabot hôm 15.6 tiết lộ họ sẽ trình một dự luật "con" có tên "Đạo luật hòa bình và ổn định Đài Loan". Họ kỳ vọng dự luật sẽ hỗ trợ chính quyền Đài Bắc về mặt ngoại giao, kinh tế và vật chất trước sức ép ngày càng lớn của Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thận trọng trong việc sử dụng "mơ hồ chiến lược" hoặc các động thái có thể khiến Bắc Kinh hiểu lầm rằng Mỹ đang ủng hộ Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, Washington đang mở rộng lĩnh vực hợp tác với Đài Bắc, bao gồm cả việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại vốn bị đình trệ từ thời tổng thống Barack Obama.