Mỹ giúp Ukraine chế tạo hệ thống Vòm Sắt riêng để đối phó với tên lửa Nga
JustAnswer, công ty công nghệ có trụ sở tại San Francisco, đang hợp tác với Ukraine để hỗ trợ quốc gia này chế tạo hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) riêng.
Theo đài Sputnik (Nga), ông Andy Kurtzig, Giám đốc Điều hành của Just Answer nói với Fox News: “Công nghệ hiện tại của Ukraine đã cũ kỹ và chậm chạp. Khi tên lửa lao tới mục tiêu, một chiếc máy tính tốc độ xử lý chậm không giúp ích được nhiều. Nếu chúng ta có thể giúp kiểm soát không phận Ukraine, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để giành chiến thắng trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga”.
Công ty JustAnswer của ông Kurtzig đang hợp tác với Lviv IT Cluster, một nhóm các công ty công nghệ và trường đại học địa phương, cùng với Cơ quan quản lý quân sự Lvov và Bộ Tư lệnh Phòng không miền Tây Ukraine, để phát triển Dự án Bầu trời, hay còn gọi là “Vòm Sắt Ukraine” - hệ thống phòng không cơ động có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
“Chúng tôi đang giúp Ukraine nâng cấp hệ thống máy tính cũng như hệ thống mạng và phần mềm của họ”, ông Kurtzig giải thích và bày tỏ niềm tin rằng Ukraine có thể ứng phó nhanh hơn và chính xác hơn nhiều khi đối mặt với những tên lửa của Nga sau khi hệ thống của họ được nâng cấp.
Kế hoạch này bao gồm cả hoạt động cải tạo một trung tâm chỉ huy Ukraine, 45 trạm giám sát di động để “cải thiện đáng kể” khả năng phòng không, hiện chỉ hạ được khoảng 1/5 số tên lửa của Nga.
Đầu tháng này, Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk đã đề nghị Israel bán cho Kiev hệ thống phòng không Vòm Sắt của nước này. Ông nói rằng Ukraine không tìm kiếm một “khoản viện trợ” và sẵn sàng “mua hệ thống này”, sử dụng ngân sách do Mỹ và NATO hỗ trợ.
Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng các cuộc tấn công tên lửa của họ chỉ nhằm vào các cơ sở hạ tầng, các mục tiêu quân sự và vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Kiev, chứ không nhằm vào mục tiêu dân sự. Các vụ phóng hỏa lực chính xác của Nga thường được thực hiện ở tầm xa nhằm vào các vị trí chiến lược của Ukraine nhờ Moskva sử dụng các tên lửa có tầm bay có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ nước láng giềng.
Trang tin Ynet đưa tin vào tháng 2 rằng Israel đã ngăn chặn việc Mỹ chuyển một số khẩu đội Vòm Sắt cho Ukraine vào mùa xuân năm 2021 trong bối cảnh lo ngại về phản ứng của Nga.
Mỹ và các đồng minh đã chuyển giao tên lửa đất đối không vác vai Strela, Stinger, Starstreak, Mistral và Piorun cho Ukraine. Trong khi đó, Đức đã cam kết nhưng chưa chuyển giao 50 xe tăng phòng không Flakpanzer Gepard được tân trang lại cho nước này. Slovakia đã viện trợ một trong những hệ thống phòng không và tên lửa S-300 từ thời Liên Xô cho Ukraine vào tháng 4, nhưng những hệ thống này đã bị phá hủy ngay sau khi được chuyển đến Kiev. Tuy nhiên, Bratislava đã phản đối những cáo buộc này.
Vòm Sắt là hệ thống phòng không nhiều lớp, nòng cốt là tổ hợp đánh chặn phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối mới mang tên Stunner, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và rocket ở cự ly từ 40-200 km. Không chỉ chặn tên lửa, Vòm Sắt còn tiêu diệt được pháo, súng cối, máy bay, trực thăng hoặc các loại máy bay không người lái. Nó tạo nên một lá chắn phòng ngự trên khu vực được triển khai, được thiết kế xử lý cùng lúc nhiều mối đe dọa cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.