Mỹ - Hàn dự đoán Triều Tiên sắp thử vũ khí bằng cách nào?
Để dự đoán điều gì đang xảy ra tại Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc dựa vào mọi manh mối, từ tần số liên lạc quân sự tới số người chơi bóng chuyền gần bãi thử hạt nhân.
Hôm 25/5, Phó giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae Hyo cho biết Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ bảy của nước này, khi liên tục thử nghiệm thiết bị kích nổ.
“Dường như khâu chuẩn bị cuối cùng sắp diễn ra”, ông Kim nói, theo NK News. Theo ông, các thử nghiệm của Triều Tiên nhằm đảm bảo vụ thử hạt nhân thứ bảy sẽ không thất bại.
Trước đó, Mỹ tuyên bố Triều Tiên có thể thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong khoảng thời gian Tổng thống Joe Biden công du châu Á. Ngay sau khi ông Biden rời thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Triều Tiên phóng liên tiếp ba quả tên lửa, theo quân đội Hàn Quốc.
Trong quá khứ, Mỹ và Hàn Quốc hiếm khi công bố thông tin chi tiết như vậy về bằng chứng hay thời điểm Triều Tiên thử vũ khí. Các nhà phân tích nhận định một chiến lược “mở” hơn vừa có tác dụng răn đe đối thủ, vừa thể hiện sự sẵn sàng đối phó của Seoul và Washington.
Phân tích vệ tinh
Cách tiếp cận mới về Triều Tiên có nét tương đồng với những gì Mỹ áp dụng trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine: Công khai các loại tin tức tình báo vốn chỉ được sử dụng cho giới hoạch định chính sách cấp cao nhất.
“Điều này gửi thông điệp đến Triều Tiên rằng chúng ta biết ông Kim Jong Un đang định làm gì - và có thể là cách để ngăn ông ấy thử vũ khí vào một ngày cụ thể”, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Soo Kim nói với Wall Street Journal.
Nhờ sự phát triển của công nghệ, vệ tinh thương mại đã thu hẹp khoảng cách về chất lượng với các vệ tinh tình báo quân sự chuyên dụng. Chúng cũng có khả năng thu thập lượng thông tin đáng kể về hoạt động tại các bãi thử vũ khí của Triều Tiên.
Đầu tháng 5, nhờ phân tích dữ liệu từ vệ tinh, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) có thể kết luận công việc khôi phục trong một đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã gần hoàn thành.
Từ hình ảnh thu được, các chuyên gia tìm kiếm các dấu hiệu như việc các thiết bị được đưa vào trong hầm ngầm để phục vụ thử nghiệm. Trong khi đó, số lượng người chơi bóng chuyền gia tăng có thể cho thấy thêm nhiều nhân viên đã được huy động tới bãi thử.
“Tôi bất ngờ trước năng lực kỹ thuật và các công cụ phân tích mà các chuyên gia ngoài chính phủ có thể sử dụng hiện nay”, ông Bruce Klingner, nguyên lãnh đạo đơn vị CIA phụ trách bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1996-2001, chia sẻ.
Hình ảnh vệ tinh thậm chí giúp giới phân tích dự đoán thời điểm một vụ thử tên lửa diễn ra. Hầu hết kho tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sử dụng nhiên liệu lỏng. Loại nhiên liệu này cần được cung cấp trực tiếp tại địa điểm phóng trong nhiều giờ đồng hồ. Đây là điểm yếu có thể bị tận dụng.
Khi tên lửa được nạp nhiên liệu, các nhà phân tích cho rằng chúng sẽ được phóng trong vòng 3-4 ngày, trước khi các chất ăn mòn có thể gây rò rỉ.
Thăm dò tín hiệu
Dù các chuyên gia ngoài chính phủ có thể tiếp cận dễ dàng nguồn hình ảnh vệ tinh, giới chức quân sự các nước nắm giữ một lợi thế quan trọng: Năng lực tình báo tín hiệu.
Tình báo Mỹ thu thập thông tin này bằng các máy bay trinh sát, vệ tinh, tàu thuyền và cả các trạm thu trên mặt đất. Trong những ngày Tổng thống Joe Biden thăm châu Á, một máy bay trinh sát RC-135S của Mỹ được phát hiện trên bầu trời bán đảo Triều Tiên.
Kể cả khi toàn bộ công tác chuẩn bị hoàn tất, lãnh đạo Triều Tiên mới là người quyết định cuối cùng về thời điểm tiến hành thử vũ khí. Giới phân tích quân sự theo dõi sự gia tăng trong hoạt động liên lạc giữa các nhóm liên quan tới vụ thử.
Dù không giải mã được nội dung, các nhà phân tích có thể tìm kiếm sự tương đồng về tần suất liên lạc với các vụ thử trước đó.
Ông Klingner gọi việc dự đoán thời điểm vụ thử diễn ra là “nghệ thuật”, thay vì khoa học.
“Các nhà phân tích không bao giờ có đủ thông tin mong muốn trước khi đưa ra đánh giá”, ông nói. “Các hành động quan sát được có thể không toàn diện như các nhà phân tích nhận thấy, hoặc Triều Tiên gặp phải các khó khăn không lường trước, khiến vụ thử bị hoãn lại”.
Triều Tiên cũng hiểu rõ các hoạt động của họ bị đối phương theo dõi sát sao. Do đó, Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể tung ra các dấu hiệu giả, khiến các nhà phân tích Mỹ - Hàn Quốc gặp sai lầm.
“Số lần tôi nghe rằng một vụ thử sắp diễn ra nhiều hơn nhiều số lần chúng thực sự xảy ra”, chuyên gia an ninh Jeffrey Lewis tại Viện Middlebury, Mỹ, nói với Wall Street Journal.